Saturday 26 December 2015

BRUNEI ĐƠN GIẢN LẮM





Brunei có cuộc sống đơn giản và bình an. Bạn có thể cảm nhận được đều này ngay khi vừa bước chân ra khỏi sân bay Bandar Seri Begawan.

Người dân ở đây thân thiện. Rất an toàn dù đi lang thang ngoài phố ban đêm, có lẽ do cuộc sống không chật vật mấy. Vì là một nước giàu với GDP cao, dân số it nên chính phủ chăm sóc người dân của họ khá chu đáo. Họ được đi học miễn phí, hay trả phí rất thấp, được trợ cấp y tế, được cấp nhà ở..Đi khám bệnh mỗi lần nghe đâu chỉ tốn $1.Đứng đầu đất nước nhỏ bé này và cũng là người giàu nhất nước là ông vua, Sultan.

Brunei ít khách du lịch vì họ không quảng bá ngành này và vì các thắng cảnh du lịch không nhiều. Trên đường hầu như nơi nào cũng vắng vẻ trừ các khu chợ. Các khu shop cũng vắng, kể cả Jerudong Park dành cho trẻ em rộng bao la cũng vắng tanh chắc do mình ghé vào ngày trong tuần. Các bảo tàng cũng vắng cho dù tất cả đều miễn phí. Bạn đến nơi này dù vào thời điểm nào trong năm cũng khỏi cần chuẩn bị tinh thần xếp hàng hay chen chúc.

Rất ít người đi bộ trên đường, đi thất thơ ngoài đường gần như chỉ có dân du lịch hay nhập cư. Cách đi lại nhiều nhất là bằng xe hơi, thuyền máy và xe bus. Khi mình đi vé bus trong thành phố chỉ có B$1, ra ngoài trung tâm B$6 mỗi chuyến bất kể đi bao xa, tài xế bán vé luôn trên xe. Bến bus nằm ngay trung tâm gần bờ song nên cũng dễ tìm. Taxi thì khỏi phải bàn rồi, đắt đỏ và khó đón ghê lắm.

Về chuyện tiền nong thì tiền tệ của Brunei lúc nào cũng 1:1 với tiền Sing nhưng giá cả các thứ rẻ hơn, dễ sống hơn. Nếu bạn có tiền Sing khi qua đây khỏi phải đổi tiền nhưng tiền Brunei qua Sing họ không lấy dù giá trị như nhau.
Trung tâm thành phố nhỏ xíu. Đi đâu dạo chơi còn tùy theo bạn ở hướng nào, nếu bên gần bờ sông thì buổi sáng có thể ra chợ ăn sáng sau đó đi vòng vòng phố, phải ghé vào it nhất một nhà thờ hồi giáo khi đến đây. Icon của Brunei là nhà thờ hồi giáo với tên gọi dài ngoằng phải mất lâu lắm mình mới nhớ nổi tên, Sultan Omar Ali Saifuddien Mosque. Màu chủ đạo là trắng với chóp được dát vàng, phía trước có cái hồ nhân tạo khá lớn. Và nằm sát bên nhà thờ là làng nổi Kampong Ayer, nơi có dân số sống trên các căn nhà được xây trên nước đông nhất trên thể giới. Nếu có thời gian bạn nên đi thuyền máy vòng quanh làng nổi để thấy nơi đây có đủ từ trường học, shops, trạm xăng, bốt cảnh sát..Một nơi thú vị.

Buổi tối qua hướng bên Gadong vui hơn, bên này nhộn nhịp “Tây hóa” hơn hướng bên sông sát trung tâm. Chợ đêm Gadong cũng vui (Gadong market), chủ yếu bán đồ ăn và đặc biệt ai thích ăn sầu riêng thì đây là nơi phải nói là bán sầu riêng rẻ nhất Á Châu (theo cá nhân mình) mà có nhiều loại nhất.

Ăn mặc không nên thoải mái như ở bên mình nhất là khi vào các nhà thời hồi giáo, áo tay dài, quần dài.. Và họ có giờ giấc nhất định cho khách vào thăm, tránh các giờ cầu nguyện.

Tùy theo bạn ghé Brunei mấy ngày. Nếu chỉ hai ngày thì có thể chia ra một ngày ở trung tâm, ngày còn lại ra ngoại ô, hướng Jerudong park ra biển nếu có trẻ em đi cùng (và cũng gần khu resort, sân golf 5-6 sao gì đó) hoặc hướng Seria, có bảo tàng về dầu khí của Shell. Shell độc quyền khai thác dầu ở Brunei từ xưa giờ (cả nước chỉ có 1 hiệu xăng duy nhất) nên đi ra hướng Seria mới thấy nó hoành tráng cỡ nào, từ các nơi trữ dầu dọc đường, máy khoan, số lượng người làm... Mình không làm bên ngành này nhưng thấy rất thú vị, vào bảo tàng ( gọi là Oil and Gas discovery centre, của Shell) cũng học được nhiều điều.

 Nếu muốn tham quan cung điện của ngài Sultan thì nên đi vào dịp sau Ramadan. Hoàng gia sẽ mở cửa cung điện 3 ngày sau khi Ramadan kết thúc để cho người dân và khách vào tham quan ,ăn uống…Họ gọi đây là "Tết". Đây cũng là thời điểm 'hot", đông khách du lịch nhất trong năm.

Vào ra sân bay BSB có đóng phí.

Brunei là nơi giản dị, vắng vẻ. Là nơi dành cho kiểu đi để thư giản nghỉ ngơi. Nếu bạn thích ồn ào, thích shopping, ăn uống sang trọng…thì nơi này sẽ chán lắm nhé.

 Chúc bạn có chuyến đi vui, về bình an.




Saturday 19 December 2015


NÊN GI LÀ GÌ?

 

Con đường dài sm hôm

Mt nhìn không rõ mt

Tay không thy bàn tay

Qu qung tìm nhau mãi

 

Nghe tiếng nói tròn âm

Sao yên bình quá đi

Câu na d chưa th

Vi chi v chung li

 

Ngày h kia

Mt chiu rnh ri

Tay nm được bàn tay

Mt chưa nhìn rõ mt

Ch tiếng cười trong vắt

Mà lung linh mt đi...

 

Wednesday 9 December 2015



RICHMOND VILLAGE và ký ức tuổi thơ

Một buổi sáng trời trong mặc dù vẫn se se lạnh. Ăn nhanh hai lát sandwich và cầm theo ly cà phê tôi đi dọc đường Macquarie St để đón xe bus đi Richmond village. Trước khi qua Tasmania đã nghe nhiều người nhắc đến cái làng nhỏ mà dễ thương này. Ai cũng nói nhất định phải đến đó nếu không khi về lại hối hận. Gì chứ đã ở gần sát bên thì cũng ghé qua cho biết, để phải hối hận thì ai nào muốn nhất là bỏ qua những chỗ đẹp.

Một nơi đẹp “hiền”, nét làng quê vẫn trong từng ngỏ ngách. Mặc dù cách trung tâm Hobart chỉ 25 phút đi bus nhưng quang cảnh khác dần khi gần đến nơi. Bạn có bao giờ đến một nơi mà mình cảm thấy như đi ngược về thời tuổi thơ không? Con đường làng, cây cầu bắc ngang con sông nhỏ, những chú vịt bơi lội hay rỉa lông bên mép nước. Tôi đã có cảm giác này trên đường đi và khi bước trên những con đường nhỏ trong làng. Cảnh vật hai bên đường dĩ nhiên không có gì giống như Việt Nam nhưng đã gợi lại trong tôi những ký ức ngày còn nhỏ. Và nhất là khi uống ly nước lạnh xin ở tiệm bánh mì duy nhất trong làng làm tôi nhớ hồi nhỏ mỗi lần đi đâu về liền chạy nhanh ra lu nước mưa, uống liền cả gáo đầy mới đã cơn khát. Cái mát lạnh đọng lại cổ họng y chang nhau. Có lẽ một phần cũng vì nước uống ở Tasmania nổi tiếng mát và ngọt hơn nước ở các tiểu bang khác. Đúng là ngọt, không thể đánh được mùi nằng nặng như Melbourne. Vì ít dân, không khí sạch hơn và nước mát hơn nên người dân ở Tassie cũng nổi tiếng có làn da đẹp. Lần sau chắc phải sắp xếp thời gian nghỉ ở đây lâu hơn để cải tạo da một chuyến.

Ngoài Richmond bridge là biểu tượng của làng cũng là cây cầu đá cổ nhất ở đất Úc còn nguyên vẹn nối hai bờ sông Coal River thì nhà thờ St John cũng nổi bật không kém. Nhà thờ xây từ năm 1832. Nơi này nằm trên một khu đất cao nên có thể nhìn xuống thấy cả nào sông, nào trường làng, nào những con đường rộng hẹp rợp bóng cây, bóng nhà lưa thưa.
Một điều hay nữa là khi đi từ nhà thờ St John trở lại bến bus thay vì đi con đường chính bằng phẳng thì tôi chọn đi đường tắt. Dọc theo con sông nhỏ trong làng. Nhờ đi đường tắt mà phát hiện ra con đường mòn này đẹp quá, và cũng rất thơ.

Cảm ơn nơi này vì đã giữ lại nét mộc mạc xưa xưa dù chẳng cách xa phố bao nhiêu, vì đã cho tôi có cảm giác về lại những ngày còn nhỏ. Dù không có tiếng ru ầu ơ giữa trưa, không có tiếng chèo khua nước bên dòng sông cạnh nhà nhưng có được cái thân quen của những lối đi nhỏ và cái cảm giác mát lạnh nơi cổ sau từng ngụm nước không lẫn vào đâu được.
 

Saturday 5 December 2015

CẦN..

Tay lạnh quá cần một bàn tay
Chân bơ vơ cần bóng giữa ban ngày
Tóc thôi bay cần cơn gió lay dù rất khẽ
Môi run nhẹ cần chút son thơm
Thơ thẩn chiều hôm cần ai đếm bước
Thơ thẩn chiều hôm dáng ai là lượt
Cần gì nữa khi hoàng hôn rơi ướt
Ta mượn nơi này..tìm chút bình yên

Tuesday 1 December 2015

MỘT BUỔI TRƯA Ở GẦN SWINBURNE

Từ đó giờ số lần đi bác sĩ mỗi năm chưa từng qua bốn. Chẳng phải là người khỏe mạnh gì cho cam nhưng chỉ khi bất đắt dĩ hay bệnh nặng lắm mới bỏ thời gian đến phòng mạch. Sợ cái mùi ở đó và ghét chờ đợi. Nhiều khi những cách trị bệnh đơn giản mà ông bà mình xưa giờ vẫn dùng cũng hay chán. Đau cổ họng ngậm nước muối, thêm cảm ho thì uống mật ong với chanh. Rồi thì gom hầm bà lằng cách loại hoa lá ngoài vườn nấu một nồi nước xông trùm mền cho đổ mồ hôi hạ nhiệt. Ấm đầu chườm khăn lạnh, tiêu chảy uống nước gừng, bị đánh bầm mặt lấy trứng gà lăn lăn…
Vậy mà hôm Chủ Nhật đang phơi phới đi ngang cái phòng mạch gần ga Glenferrie, lại muốn vào khám bệnh gì đâu. Vẻ bề ngoài kín cổng cao tường của nơi này làm dấy lên thêm cái tính tò mò vốn có xưa nay. Đầu tiên là vị trí, hắn nằm ngay góc đường. Cái cổng khiêm tốn vừa đủ cho một người đi lọt, mái che hình chóp và hai chữ “Medical Clinic” cũng khiêm tốn không kém. Đằng sau cánh cổng là vô số các loại cây khác nhau, vươn cao tới cửa sổ tầng hai, lá xanh lá đỏ. Lại có một cây phượng tim tím nhìn rất hay.

Cứ nghĩ đến mấy phim đã từng xem qua có liên quan đến bệnh viện, phòng khám ở các vùng xa xa hẻo lánh, mặt tiền nhìn vầy chắc chắn phía trong có bao nhiêu bí ẩn và “lạ”. Trí tưởng tượng lại có dịp lơ lửng. Nhưng nơi này nằm ngay trên con đường Glenferrie Rd, Hawthorn, nhộn nhịp trẻ trung cách trung tâm Melbourne không bao xa. Bấm tách một tấm hình rồi băng qua đường ló đầu vào cái cổng nhỏ, cửa đóng im ỉm không một bóng người. Chủ Nhật đóng cửa, nhìn hơi hơi gì đấy nên thôi quay ra đi tiếp.



Và cũng trên con đường đó, buổi trưa ghé qua Mc Donald’s lại bắt gặp một gương mặt quen quen. Lúc xếp hàng order em ấy đứng ngay đằng trước, chắc nghe tiếng Việt nên quay lại nhìn nhìn. Mình cũng nhìn nhìn,  thấy quen quen. Em đi một mình, ngồi một góc vắng vừa ăn vừa cặm cụi vào cái điện thoại trước mặt. Phần mình ăn rồi cũng ngồi nhìn người qua kẻ lại một hồi mới bỏ đi. Cố nhớ mà vẫn không nhớ ra đã từng thấy gương mặt đó ở đâu cho đến khi chiều về đang ngồi xe lửa thì click một cái, a ha. Nguyễn Trọng Nhân. Đã từng thấy gương mặt này trên facebook của vài người và trên một trang mạng nào đó quên rồi. Ga Glenferrie, Swinburne University, các con hẻm trẻ trung, con đường dài trẻ trung với vô số hàng ăn, café đủ loại…có chút liên quan.
Một con đường mới cho em, một khung trời lạ lẫm, sẽ khó khăn nhưng hy vọng chẳng đến nỗi cheo leo.
Về nhà cứ suy nghĩ chẳng lẽ hồi mười tám hai mươi mặt mình nhìn non choẹt ngơ ngác vậy sao? Không thể nào.

Có những điều chợt nhớ ra sao mình dám
Âm thầm bước qua như những lá thu xa
Chợt đổi sắc chợt thay mùa chợt hát ca
Ôi thời ngây ngô đó cũng thật là…







Saturday 28 November 2015


THẤY CẢNH NAY NHỚ CẢNH CŨ

Hình như mình đã từng nhắc qua nhiều lần là đôi khi đang đứng ở một nơi nào đó hiện tại lại làm mình nhớ đến một nơi khác đã đi qua. Cũng đơn giản vì hai nơi có nét từa tựa và tâm trạng ngay thời khắc đó cũng vậy.
Mấy tuần trước có chạy ngang một cái hồ gần nhà mà hồi đó giờ nghe qua chứ chưa từng ghé. Hóa ra sát bên chứ có xa xôi gì. Cũng là hồ nước, cây cầu, con đường đi bộ quê quê. Một ở ngay Melbourne và một ở tận xứ Đài trên kia. Cảnh ở Melbourne có leo dốc chút xíu còn ở Đài Loan là vùng núi cao ngất, cách mặt nước biển bao nhiêu thì không nhớ nhưng cao lắm à.  Mà ngộ nghen, nói là kỵ nước thì không đúng nhưng từ nhỏ mình sợ nước vậy mà thích đi đến những nơi có nước mênh mông và chụp hình luôn có dính chút “thủy”. Mỗi nơi mỗi vùng có nét đẹp riêng nhưng nhiều cây xanh bóng mát lại nằm bên bờ nước nhìn vẫn dễ chịu hơn.

Ở Melbourne, một chiều cuối tuần tháng 11             





 Ở Đài Loan năm nào. Xitou National Park hình như thuộc vùng Nantou thì phải, nếu có dịp sẽ viết về nơi núi non yên bình này. Nơi mà mình sử dụng ngôn ngữ tay chân (body language) nhiều hơn là nói nên cũng góp thêm phần yên tĩnh.




 

Wednesday 25 November 2015


CHU DU ĐÓ ĐÂY
Chu du đó đây có thể là đam mê, là một môn giải trí, là nghỉ ngơi, là khám phá những miền đất lạ hay chỉ đơn giản là tò mò. Đi xa hay đi gần mới được gọi là chu du? Tôi chắc mỗi người có câu trả lời cho riêng mình. Theo ngôn ngữ  kiếm hiệp Kim Dung được gọi là phiêu bạt giang hồ, nghe bụi bậm và có sức hấp dẫn vô cùng. Đối với tôi nếu có điều kiện được đặt chân tới một vùng đất lạ, trải nghiệm những thứ mình chưa từng, trò chuyện với những người sống nơi đó, đi qua những con đường mà có thể cả đời mình chỉ in dấu giày một lần, nếm qua những thức ăn địa phương thì đó là một hạnh phúc. “Vùng đất lạ” với tôi là nơi mình chưa từng đặt chân đến, không cần biết khoảng cách từ nhà tính theo đường chim bay hay bướm bay là bao nhiêu.
Đó có thể là một khu công viên cỏ xanh um ở giữa có một cái hồ đầy vịt cách nhà chỉ 15 phút lái xe. Đó có thể là Sun Moon Lake mờ mờ ảo ảo ở Trung phần của Đài Loan.
Hay đó cũng có thể là Malmo vào một ngày nắng vàng trời xanh mà gió lạnh quá chừng.

Để lên kế hoạch và chuẩn bị các thứ cho chuyến đi trước khi khởi hành thì đã đi được một nửa đoạn đường, ai đó đã từng nói thế. Bạn có thể tự đi một mình, solo, đi theo nhóm hay theo tour có người hướng dẫn, điều đó với tôi không quan trọng. Cái quan trọng là mình thấy được gì, học hỏi được gì, trải nghiệm qua những gì từ những chuyến đi đó. Đi để khi trở về có thêm chút kiến thức cho mình, bao điều vui buồn yêu ghét, hay chỉ đơn giản cầm về mấy cái vé xe bus cỏn con để khi nhìn lại à ha, hôm đó tới đây thấy gì ăn gì nhỉ? Trở về để thấy mình còn may mắn hơn rất rất nhiều người và hạnh phúc với những gì đã trải qua và những thứ mình đang có. Và thực tế nhất là trở về để thấy mình rỗng túi, tài khoản ngoi ngóp thấy thương và thế là lao vào cày như điên để có tiền xài những ngày sắp tới và cố tiết kiệm để có tiền đi tiếp.

Thursday 19 November 2015

CÁM ƠN



Như người chèo đò đưa khách qua sông
Phấn trắng bảng đen tựa mái chèo trên dòng nước
Câu hò thay bằng lời giảng qua nhiều lượt
Những bước thăng trầm trên bục giảng bao năm

Ngày nắng ráo ngày lạnh gió mưa dầm
Vẫn miệt mài đem chữ đời mà dạy

Chân rời đò mấy ai quay nhìn lại
Người đã đưa mình cập bến nên danh
Dù chỉ một chặng trên con đường khôn lớn
Mấy ai một lần cất tiếng nói “cám ơn”?

Monday 16 November 2015

NHỮNG CON ĐƯỜNG PARIS
 


Nếu được hỏi khi nhớ về thành phố nổi tiếng hoa lệ Paris tôi nhớ gì nhất thì đó là những con đường.

Có thể là con đường trước một ga metro vắng tanh sau mười giờ đêm, hôm đó gió như giành hết không gian về mình. Tên đường là gì ở quận nào thì tôi chịu, không nhớ nổi sau chuyến bus gật gù năm sáu tiếng, rồi thêm một chặng metro. May là có cô chủ nhà trọ ra rước bằng không chắc thêm một phen vất vả kiếm đường về.

Có thể là con đường dọc sông Seine thưa người vì hôm đó trời mưa, các ô bán sách màu xanh lá hoặc bỏ trống hoặc được khóa cẩn thận. Cứ tiếc rẻ nếu gặp ngày nắng gặp ngày có phiên chợ sách chắc là tiếng nói tiếng cười rôm rả, mình sẽ rề rà quanh đây cả ngày. Cái cảm giác lành lạnh đầu thu với chút gió thổi lên từ sông làm tôi bước nhanh hơn, kéo khóa áo cao hơn lúc nào cũng quên mất.

Cũng có thể đó là đại lộ rộng thênh thang dẫn đến Khải Hoàn Môn mà ai ghé Paris cũng đi ít nhất một đoạn. Con đường này tồi chắc là chẳng khi nào yên lặng cho dù bạn đến đây vào giờ nào. Dãy shop sáng choang hai bên đường, dòng người dòng xe lúc nào cũng tấp nập. Tôi đến đây vào buổi chiều muộn nên con đường đã lên đèn sáng lung linh, xe đông và người càng đông. Lâu lâu lại bắt gặp một nhóm người đứng vây quanh xem các nghệ sĩ đường phố biểu diễn, đàn hát, nhảy múa ảo thuật đều có cả. Tôi đi một lúc lại đứng nhìn, khi thì coi hát, khi thì nhìn vào một chiếc váy sặc sỡ chưng trong cửa kiếng, khi thì chỉ đứng nhìn người qua lại. Sau rẽ vào vài con đường nhỏ cũng đèn đóm lung linh với nhiều quán cà phê, quán ăn mà khách ngồi bên ngoài đông nghịt. Có đi qua những con đường như thế này mới thấy người Pháp khi rời Việt Nam đã để lại văn hóa uống cà phê và ẩm thực nói chung rất đâm.

Rồi những con đường băng qua sông Seine, là cầu có tên cả đấy nhưng tôi vẫn thích gọi là đường. Có cái hẹp dành cho người đi bộ. Có cái rông hơn với một hai lằn xe mỗi chiều dành cho cả xe và người. Hình dáng khác nhau, số lượng và màu sắc các khóa tình yêu đa dạng, quang cảnh hai bên bờ sông cũng khác mặc dù kiến trúc thì tương tự. Và có khi cảm giác trong tôi cũng khác khi qua đến bờ bên kia.

Và còn vô số những con đường tôi đã qua, đã để lại trong tôi những hình ảnh khác, đã cười nói với những gương mặt khác nhau. Và vô số những con đường tôi đã muốn đi mà chưa có cơ hội, luôn tự nhủ để dành lần sau, thêm một cái cớ để quay lại.

Mấy ngày qua biết bao những ngã đường ở Paris đã bị đóng chặt với những nỗi lo sợ, hoang mang đầy trầy xước. Khi mọi chuyện đã qua, cuộc sống trở lại bình thường theo dòng chảy của thời gian thì dù trên bề mặt vẫn là một Paris kinh thành ánh sáng nhưng bên dưới đã loang lổ những vết thương.

Nhớ về Paris. Ta vọng bình yên những phút giây.