Wednesday 30 November 2016

Ừ THÌ MUNICH CŨNG LẠ


Hai hôm trước đi ngang một quán bar có kiểu trang trí lạ, dễ gây ấn tượng với người qua kẻ lại ở Docklands, Bohemian Bar. Màu sắc nổi bật, những ô vuông hình ảnh đan chen nhau từ hai vách ngoài vào đến bên trong. Có gương mặt người, có những ký hiệu, có ô đa sắc. Nhìn lâu lắm vẫn chưa hiểu được hết từng ô vuông đang chuyển tải cái gì. Bohemia là tên cũ của Czech nhưng không hiểu sao đi ngang đó tôi lại nhớ Munich. Có lẽ do nhiều đường kẽ màu mè đập vào mắt cùng lúc nên choáng. Nhớ nhầm.

Có một đoạn cũ rích tự mình viết tự mình hay trích mỗi khi nhớ về đâu đó.

Có nhiều nơi đã đi qua mỗi lần nhớ lại tùy theo nơi nào, ở đâu, khoảng thời gian nào…sẽ gợi lại những điều khác nhau. Có thể là một màu đặc trưng nào đó, một con đường, một mùi hương, một món ăn, một câu nói hay một cái nhìn. Những điều này chưa hẳn là những điều mình thích hay hài lòng nhưng bằng cách nào đó đã ở lại trong ký ức lâu và rõ nhất. Và mỗi khi bắt gặp lại hay có cảm giác từa tựa thì hoặc là có chút nao nao, hoặc là mỉm cười vu vơ hoặc là đá đại thứ gì đó đang ở dưới chân nghe “xoảng” một tiếng và bước tiếp.”

Hoặc chỉ đứng im chẳng làm gì cả, hiểu lơ mơ những gì trước mặt rồi bỏ đó mà quên hình ảnh một nơi khác đang tranh thủ ùa về.

Munich lọt vào chặng cuối của một chuyến đi. Đã mấy năm rồi. Lại lôi chuyện cũ ra kể tiếp. Hôm trước có người nói ngán Châu Âu quá rồi, đi miết mà lại phán câu đó làm mình ganh tị hết biết.

Munich được biết đến vì nhiều thứ, kể ra một list dài dọc chưa hết. Sơ sơ đây là vùng giàu có, Oktoberfest, BMW, tháp đồng hồ, chuyện buồn Olympic….Còn vô số những chuyện khác mà để thổ địa vùng này kể ra sẽ rõ ràng hơn vì mình chỉ là khách ghé chơi.

Với tôi, đã bắt gặp và nếm trải những đặc sản nơi này nhưng nhớ nhiều thứ không thuộc về Munich thì phải. Có chút ngạc nhiên, dĩ nhiên là thích thú. Chỉ là vài chuyện cỏn con.

Đầu tiên là về cái ăn. Vú dê và thịt thỏ nướng. Nghe giật cả mình. Ai tưởng được đến Munich lấp lánh màu bia lại được ăn mấy thứ này. Mà nói thật, khi đến đây dù tửu lượng đã tăng đáng kể nhưng mồi nhắm cỡ đó nhỏ lớn chưa từng biết qua. Ở nhà toàn ăn đồ hiền hiền kiểu như rau luộc chấm chao, rau nấu canh, cá kho, thịt heo chiên nướng…chứ món ngon vật lạ exotic kiểu này khiến người ta tò mò. Host nói vậy thì coi như thấy thịt đặt tên thôi, dễ tin dễ nuôi mà. Chiều hôm đó sau khi dẫn đi một vòng trung tâm, bạn host tuyên bố là phải đi đến khu Thổ để kiếm mua đậu bắp và rau thơm. Khu phố này có hơi lộn xộn, nhìn có vẻ bụi hơn các con phố khác. Rau thơm chuối chát họ bán đầy nhưng đậu bắp là thứ xa xỉ. Chỗ lạ món lạ là chuyện thường, dù xuất xứ rất quen.

Chuyện thứ  hai cũng không ngờ lại bắt gặp một đàn panda ngay trong cái park gì đó gần trung tâm. Bao nhiêu con không rõ nhưng hai màu trắng đen dày đặc từ thấp đến cao. Con giả thôi, hội bảo vệ động vật tổ chức hay sao đó. Quang cảnh lúc đó, buổi chiều đó khó diễn tả được. Đã từng thấy hình ảnh tương tự ở Avenue of Stars, HK nhưng đã không ấn tượng như khi gặp lại ở Munich. Có lẽ dễ thương hơn.

Và Wall Street Café ngay tại Munich. Chẳng có gì đặc biệt đúng không? Ừ, thường thôi. Chỉ là một cái tên giữa bao nhiêu thứ chói sáng bao quanh. Nhiều khi quên mất, nhiều khi nhớ những chuyện lộng lẫy trong đó lại đan chen bao nhiêu thứ rất bình thường. Tua qua tua lại mới nhận ra, thì ra chuyện thường đã tuột qua góc mắt thường xuyên hơn mình tưởng.

Sunday 6 November 2016

Nhà ở Berlin


Hỏi ở Berlin tôi nhớ gì nhất? Bún riêu cua.

Sao không là currywurst nồng nồng cay cay?

Sao không là mái vòm được chạm trổ tinh tế từ ngoài vô trong, nơi được in trên hầu hết các postcard?

Sao không là Alexanderplatz với chiếc đồng hồn thế giới to đùng phía trước?

Sao không là buổi sáng nhiều mây giữa khu chợ thủ công bên bờ sông hay những tảng xi măng vuông góc để tưởng nhớ một thời u tối?

Có những chuyện mình không giải thích được mà chỉ cảm thôi.

Buổi chiều đó sau khi vật lộn với mớ hành lý lỉnh kỉnh từ Dresden, rồi Potsdam, tụi tôi cũng đến nơi.  Không biết đã leo bao nhiêu bậc thang, khi lên đến mặt đường mưa như xối vào mặt làm tôi tỉnh hẳn. Quên hết cả lạnh. Quên luôn mình đang đứng trên đất lạ. Quên mang dù, mà nếu có cũng biết làm sao che, hai tay vừa xách vừa kéo. Vòng qua con phố nhỏ, quẹo vào cái cổng to to vì mưa lớn nên chẳng thấy rỏ thứ gì cả. Qua một hành lang dài. Bước vào nhà hơi ấm phả vào mặt và mùi riêu cua như ôm cả tôi và những thứ cồng kềnh bên tôi. Ấm quá. Hai gương mặt xa lạ đón hai đứa tôi với cái cười ngọt trên môi và những lời hỏi han như đã quen biết từ lâu. Đó là cảm giác ấm cúng của những lần đi xa về, mở cửa bước vào nhà mình.

Đừng hỏi tại sao tôi tài quá đoán ra được mùi cua mà lại là bún riêu. Chẳng có bí quyết gì đâu, chỉ là lúc đó lạnh quá, lại đói lại thèm một tô gì nóng nóng ăn cho ấm người nên khi đánh mùi đồ biển đoán đại thôi. Nói thật, đó là tô bún riêu ngon nhất tôi được ăn cho đến bây giờ, khi đang viết mấy dòng này. Hai cô chú nói tụi tôi có lộc ăn, cua tươi luôn đấy. Giữa tất cả xa lạ mà tôi như đang ở nhà, cảm giác nhớ “mùi nhà” trong mấy tuần qua tạm thời đi vắng. Đó là hạnh phúc. Chỉ đơn giản vậy.

“Ta yêu hôm nay. Ngày rất dài màu mắt vẫn lung linh”.  










Friday 28 October 2016

Hoa thơm cỏ lạ- Từ Melbourne đến Canberra



Cứ nói hoài mà chưa có dịp đi xa để tìm hoa thơm cỏ quen vào mùa xuân ở Hà Lan. Lần này có dịp đi gần tìm đến vùng có hoa thơm cỏ lạ. Floriade thay cho Keukenhof. Một chuyến đi có đủ nắng mưa lũ lụt và lắm sắc màu. Lần đầu tiên phải chạy xe qua mấy con đường ngập như sông, nước lấp xấp gần hết bánh xe, cứ tưởng phải kẹt lại giữa chừng. Thấy mấy chiếc xe đã lạc xuống vệ đường chắc cho trợt bánh không cách gì lui lại, hai chiếc khác chết máy nằm yên. May mà xe mình dễ thương bò chầm chậm cuối cùng cũng qua.

Đáng lẽ đi Adelaide để tìm đến Barossa Valley thử rượu nhưng coi bộ tửu lượng chưa cho phép nên đành hoãn lại. Đó là lý do phụ còn lý do chính vì hai ngày trước khi đi bên đó bị bão quét qua, tệ nhất từ trước nay. Cả tiểu bang Nam Úc mất điện. Nghe đâu có nhiều nơi hơn 24 tiếng sau mới có điện trở lại. Một phần cũng do 40% nguồn điện của tiểu bang được cung cấp từ..gió.

Thế là đổi hướng.

Bendigo mưa mờ mịt. Có tí xíu nắng vào buổi trưa còn lại mưa suốt. Mấy chiếc xe điện, mấy khóm tulip sũng nước.

Những cánh đồng vàng canola dẫn đến Shepparton. Cái này đúng là không tìm mà gặp, con mồi tự kiếm đến thợ săn. Năm rồi chạy hết cả xăng mới thấy một mảng vàng, bắt gặp mừng líu ríu. Năm nay chẳng tìm mà hắn vàng ươm dọc hai bên đường, có điều hơi ngấn nước và hoa chưa nở đều. Chạy suốt chẳng thèm ngừng lại, nhiều quá người ta lại chán chê là vậy. Nghe đâu những nhà nông trồng canola năm nay thất thu nặng vì mưa nhiều quá. Tận mắt thấy thì đúng thật.

Rồi những ‘cánh đồng” bạt ngàn hoa trắng. Nhìn thì giống cây cherry nhưng cũng có thể các cây họ đào. Chỉ một màu suốt một quãng dài. Những đoạn khác nước ngập như sông, buồn hiu.

Canberra là điểm đến cuối cùng. Gió lạnh tê. Mây thấp. Các con đường ngay trung tâm vắng tanh, chả bù với ngày cuối tuần ở Melbourne. Mười năm trở lại cũng vẫn còn không khí trầm trầm nhưng khác với nét trầm của Tasmania. Có vẻ thoáng hơn.

Hôm đó mọi người đều dồn về nơi có lễ hội hoa Floriade bên bờ hồ Burley Griffin. Thật ra Floriade kéo dài cả tháng giữa tháng Mười nhưng chắc bà con nghe vụ lớn nhất Nam bán cầu, cả triệu hoa tulip nên đổ về. Lại vào cổng tự do nên đông quá là đông. Cũng là tulip nhưng được trồng trong công viên rộng, lại sát bờ hồ nên thơ hơn cánh đồng khô đầy đất đỏ thẳng tắp ở Silvan, Victoria.

Trích một đoạn đã viết trên đường về khi đang bị lạc

“GPS cứ muốn quẹo trái mà điệp khúc "road closed" cứ lặp lại ba con đường liên tục. Mưa liền tù tì mấy ngày, hôm kia có đoạn đường ngập gần hết bánh xe tưởng phải quay lại mà đang hăng máu nên cứ càn tới rồi cũng qua được. Mấy cánh đồng canola lấn ngấn nước. Sáng nay trên đường về nắng ngập đường, hoa vàng rực. May mà nước đã rút nhưng đường cũ bị khoá, phải U-turn đi ngả khác.
Nhiều khi nghĩ không phải mình muốn thay đổi, rẽ hướng khác mà do hoàn cảnh thôi. Muốn đi con đường cũ gần chết mà có được đâu. Sợ bị lạc. Con đường mới cũng lắm thứ hay ho, ngó trước ngó sau, ngó ngang ngó dọc vì cảnh đẹp quá nên lạc thiệt.
Vẫn chưa thấy đường ra"




Saturday 22 October 2016

Mainz và tô phở Bắc

Nhớ một buổi chiều ở Mainz, đi ngang qua khu trung tâm thấy đông người vừa ngồi vừa đứng mình cũng tò mò ghé xem thử. Thì ra lúc đó gần có bầu cử nên có mấy hoạt động tranh cử ngoài trời để các ứng viên tiếp xúc với dân. Có vài cái bàn dài, vài quầy dựng lên để bán đồ ăn. Mình cũng bon chen mua một combo 8eu gồm ly rượu, một ổ bánh mì với sausage. 

Ngồi ăn cùng bàn với mấy bác người Đức, hai bác trai với ba bác gái. Hành trang vắt vai chỉ duy nhất tiếng ‘cám ơn’ bằng ngôn ngữ địa phương, trò chuyện với mấy bác chỉ nói được vài từ tiếng Anh mình hiểu được vậy mà cũng qua một buổi chiều vui vẻ. Một bác còn mời thêm 1 ly rượu mà từ chối hoài không xong nên thôi cứ cạn ly. Uống hết ly đó bác lại ra dấu thôi thêm ly nữa rồi về.

Trời tối mới đứng dậy chào mấy bác để về chứ ngồi thêm nữa sợ không biết “đêm nay ai đưa em về”*.


Hơi lơ mơ, vậy mà trên đường về nhà trọ gần Mainz Hauptbahnhof lại còn nhìn rõ phát hiện ra một quán ăn Việt. Một quán ăn gia đình nhỏ nhỏ mình không nhớ tên, kê chừng năm chiếc bàn mỗi bàn hai ba ghế. Hình như gần giờ đóng cửa nên quán vắng, chỉ còn một anh tóc vàng ngồi ăn trong góc.

Vừa bước vào thấy một bác lớn tuổi mặc áo trắng như đầu bếp đứng gần cửa liền nói luôn tiếng Việt “Bác ơi có món gì nóng nóng cho con một tô”. Bác cười cười nói “ủa sao biết tôi người Việt? Bảng hiệu đâu có chữ Việt nào”. “Hơn 2 tuần rồi con không nói tiếng Việt nên thấy bác con đoán 80% người mình nên mừng quá hỏi đại”. Rồi bác kêu là tối rồi trời lại lạnh thôi ăn phở đi cháu, bác người Bắc nên chỉ nấu phở Bắc. Mình xin thêm ly nước chanh trong khi chờ phở.

Quán trang trí đơn sơ, vài tranh vẽ phong cảnh đồng quê treo trên vách trái. Vách phải là menu có hình ảnh, tiếng Đức và tiếng Anh. Trong một góc khuất gần lối vào bếp có cái bàn thờ nhỏ khói đang kéo sợi, kế bên là hai quả táo màu xanh. Anh tóc vàng ăn xong trên dĩa còn chút mì, kêu tính tiền. Một chị đi ra vừa cầm hóa đơn vừa cầm cái hộp. Anh trả tiền rồi lấy nĩa đùa phần ăn còn lại vào hộp gọn hơ. Nói lớn tiếng cám ơn rồi tay vác ba lô tay cầm hộp  đi ra cửa. Khách quen, chị nói.


Quán đúng là do bác trai làm chủ, bác đứng nấu và có hai người con ra phụ. Tô phở bác bưng ra to vật vã, nóng hổi, thơm mùi rất phở như lâu lắm mình chưa được ăn. Sau bác còn tự đem ra thêm một chén chè (là chè ngọt nhé, không phải trà). Khi trả tiền bác cứ từ chối không lấy, nói là lâu lắm mới thấy người Việt từ nước khác ghé nên thôi. Năn nỉ cuối cùng bác lấy 5eu, “cho cháu khỏi ngại tối về lại mất ngủ”. Một ngày no say, tối về lên giường rà nghe bài “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi…” của bác Phạm Duy cho thêm hợp tình hợp cảnh.

Lúc nào cũng có nhiều chuyện xảy chung quanh khiến mình quên quên nhớ nhớ nhưng có những buổi chiều, buổi tối như vậy khó có thể mà quên.



* Nguyễn Ánh 9

Tuesday 11 October 2016

Hạnh phúc

Đọc một cuốn truyện hay..ừ là hạnh phúc
Xem một đọan phim hay cũng là hạnh phúc
Nếu đơn giản vậy thôi thì gom tay..cả chục
Những hạnh phúc giản đơn ta vẫn coi thường

Hạnh phúc..
Khi trầm mình giữa một rừng hoa dại
Vàng ươm

Hạnh phúc..
Khi thở cái không khí mát lành lạnh
sau cơn mưa

Hạnh phúc..
Khi nhìn nắng lưa thưa lọt qua tay
mang màu vàng cháy

Hạnh phúc..
Khi được ngáp dài mỗi sáng..
Khi biết mình còn có thể tỉnh sau những cơn mê

Hạnh phúc..
Được nhiều quá có khi người ta lại chán chê.

Và hạnh phúc..
Khi có thể quên những gì mình không muốn ....nhớ!!!

Wednesday 5 October 2016

Aarhus mộc mạc



Aarhus đón tôi bằng cái nắng êm êm, lành lạnh của những ngày cuối tháng Chín.  Sau gần ba tiếng ngồi xe lửa từ Copenhagen, bước ra khỏi ga trung tâm cũng hơn 12 giờ trưa. Hít vào một hơi thật mạnh, có cảm giác mình hít thở vào cái khí rất “sạch”, sạch hơn cả không khí mình hít thở trong hai ngày vừa qua cứ tưởng là đã trong lành lắm rồi. Có lẽ do thành phố nhỏ hơn, ít người hơn và gần biển hơn nên rất thoáng. Và có lẽ sự trẻ trung toát ra từ những người chung quanh.
Aarhus là thành phố lớn thứ hai của Đan Mạch, nhưng dân số chỉ vào khoảng 300000 người. Trong số đó phần lớn là những người trẻ, còn đi học. Đây là thành phố sinh viên, chỉ mỗi Aarhus university đã có khoảng 35000 sinh viên đang học. Ngoài ra còn nhiều trường khác nữa nên trên đường bạn gặp người trẻ là đa số. Cũng vì thế mà các quán cà phê chắc ăn nên làm ra, đi ngõ nào trong phố cũng gặp ít nhất vài quán.

Thành phố trẻ nhưng lạ cái là sau khoảng sáu giờ chiều những con phố ngay trung tâm chỉ lác đác vài người qua lại, hầu hết các hàng quán đều đóng cửa. Mấy dãy bàn ghế bên ngoài được xếp lại gọn gàng, mấy cây dù cụp xuống buồn hiu, đi một đoạn xa xa mới thấy một vài quán ăn còn sáng đèn. Nhìn từ bên ngoài đố ai biết được đây là thành phố có nhiều người trẻ. Có lẽ những người chủ không trả nổi tiền over-time cho nhân viên vì lương bình thường đã quá cao? Hoặc có lẽ nhân viên không thèm làm thêm vì làm đến năm giờ đã đủ? Hay các bạn trẻ ở thành phố này học rất chăm? Bao nhiêu câu hỏi đó cứ lảng vảng trong đầu khi tôi nghe vọng tiếng bước chân của mình qua các con phố.


Aarhus gây ấn tượng với tôi ở cái nét êm êm, buồn buồn như chính con sông chảy qua thành phố. Và những người đồng hương tốt bụng.
Chuyện là vầy. Aarhus là một ngả rẽ không định trước. Ban đầu khi tính đi Đan Mạch tôi chỉ nghĩ tới Copenhagen, ở đó vài ngày rồi về Dresden. Nhưng trên chuyến tàu từ Hamburg đã bắt gặp hình ảnh Aarhus từ một trang báo. Cái tên đã thu hút tôi và thế là a-lê-hus. Đã tìm hiểu (sơ sơ) và đọc một vài trang mạng trước khi đi thì thấy thành phố cũng nhỏ, chỉ có vài nơi đáng xem nên chỉ mua vé xe ngày trước ngày sau về lại Copenhagen. Đến nơi mới vỡ lẽ đã quên đọc phần “Sleep”. Cứ nghĩ mình ngủ có một đêm thôi mà đặt chỗ ở làm gì tốn nhiều thời gian.

Bước ra khỏi ga nhìn quanh một lượt không thấy hostel, hotel hay chỗ trọ treo bảng chớp tắt như những ga tôi đã đi qua. Cũng liều không xin tấm bản đồ. Đi tà tà qua dãy shopping chính trong phố, Stroget, dạo một vòng qua hai ba con đường kế vẫn chẳng thấy gì nên hơi lo. Qua thêm một con đường nữa thì thấy hai cái khách sạn nhìn sáng sủa, chắc là đắt lắm nhưng cũng vào hỏi thử. No vacancy. Và giá cho một phòng đơn tính ra khoảng 160eu/đêm. Là ngày trong tuần mà lại hết phòng, mà sao mắc thế? Trước khi đi chuyến này tôi đã quyết ở không quá 40e/đêm, chỗ nào hét giá cao hơn coi như đã mất một vị khách rất duyên dáng lịch sự và ngăn nắp. Mấy đứa bạn nghe tôi nói vậy đứa nào cũng cười ha hả, đế thêm một câu là nghèo mà chảnh.
Không nhớ tên đường là gì nhưng kế bên một trong hai khách sạn là tiệm tạp hóa, bán đồ hộp Á Châu. Thấy chữ Việt nên mừng quá tôi liền vào hỏi thăm. Chị chủ tiệm cũng dễ thương, vui vẻ. Tôi kể sự tình, đi một mình, chỉ cần chỗ ngủ một đêm thôi. Hỏi chị có biết hostel nào ngay trung tâm không thì chị nói ở đây bao nhiêu năm mà chưa nghe, chỉ biết khách sạn kia trên đường đi về mỗi ngày, cách đây khoảng 15 phút bus.
“Em đi thử, chỗ đó xa trung tâm chắc còn chỗ”

Rồi. Mua một vé bus 20DKK (Danish krone), gần 3eu, đi theo hướng chị chỉ. Đúng là đi khoảng 15 phút đến một dãy phố, có cái hotel bên đường cũng bề thế. Vào hỏi thử, 175eu/đêm. Tá hỏa. Phòng đã được đặt hết nhưng anh ở quầy tiếp tân kêu ngồi chờ khoảng nửa tiếng đi vì có người chưa confirm. Tôi ừ hử nói ra ngoài chút xíu quay lại rồi trốn luôn.

Đón bus quay lại tiệm tạp hóa để bắt đền chị chủ.
“Tội nghiệp hôn. Mà đi sao không chuẩn bị trước, book trước, dù gì cũng là con gái, lại đi một mình”
“Dạ em biết, nhưng nghĩ giữa tuần đâu đến nỗi nào”.
Lúc này có hai người đang đứng gần quầy chờ tính tiền. Hai bác đang nói chuyện với nhau, cũng là người Việt. Thấy vậy tôi liền bắt chuyện rồi hỏi thăm, bác trẻ nói ở gần cảng có hostel, nhìn hơi tối nhưng có người quen từng ở qua nói cũng ok.  Vậy thì may quá. Bác chỉ sơ sơ cách đi, mà nếu đi không tới thì cứ hỏi người đi đường họ sẽ chỉ cho lo gì.
Bác lớn tuổi nãy giờ đứng bên nghe tới lúc mình sắp đi mới lên tiếng.
“Nếu thấy ở không được thì trở lại đây trước 5:30, bác chở về nhà bác ngủ. Shop của bác ở ngay góc bên kia đường. Nhà chỉ có bác và bác gái”
Nhìn theo tay bác chỉ thì thấy một shop nho nhỏ ở góc đường đối diện, bác sách báo, card điện thoại và các thứ linh tinh.
“Dạ, con cám ơn bác nhiều. Ở được hay không thì chút nữa con cũng sẽ quay lại”.

Thế giới này vẫn còn lung linh hơn mình tưởng.

Đó là City Sleep-in hostel, cách ga tầm mười tới mười lăm phút đi bộ. Nghe tên quen quen nhớ tôi đã đọc thấy cái tên này ở đâu đó. 30eu/đêm, phòng nữ bốn giường. Phía sau cánh cửa là bốn cái locker rỉ sét, kẻo kẹt và không cái nào đóng lại được.

Tôi là người đầu tiên vào phòng, chọn cái giường trên cao. Sau đó thêm một cô bạn trẻ người Đức, từ Munich. Rồi bà bác ho sù sụ, không rõ người nước nào. Buổi tối thêm một cô bạn trẻ tóc vàng to gấp ba tôi, nhìn tướng đoán vậy thôi. Khi nàng vào chỉ còn một cái giường trống phía trên bà bác, giường tầng lại thiếu cái thang. Tôi quên cô ấy leo lên leo xuống bằng cách nào mà chỉ nhớ những tiếng chửi tục vang lên suốt đêm chen lẫn trong từng cơn ho dai dẳng.


Nói lại chuyện hôm qua sau khi check-in đã quay trở lại cám ơn mấy bác đồng hương như đã hứa. Trời vừa tắt nắng mà trên đường vắng tanh, chỉ lưa thưa vài người qua lại. Mới đầu tính đi vòng vòng trung tâm nhưng thấy vắng quá cũng buồn nên mua một cái burger rồi vừa gặm vừa tán gẫu với mấy bác. Trò chuyện tôi được biết thêm cuộc sống của người Việt mình bên này, và xã hội bên này nói chung.

Đan Mạch và các nước Bắc Âu được nhiều người biết đến như là “welfare state”, theo nghĩa bình dân là các nước này tài nguyên dồi dào, dân ít nên chính phủ rất “cưng” người dân. Nếu bạn không có việc làm chính phủ sẽ nuôi, không phải sợ đói sợ rét. Cuộc sống đầy đủ ít lo toan hiện rõ ra bề mặt của thành phố, với những gương mặt thoáng qua trên đường. Họ khoan thai, và “lành”. Cái bon chen xô bồ của nhiều thành phố ở Châu Âu tôi đã qua dường như vắng mặt nơi đây. Bạn có thể vô tư đi lại không cần lúc nào cũng kè kè các đồ cá nhân, không sợ bị cướp giật hay móc túi.
Chỉ có điều tiếng Đan Mạch là một trong những thứ tiếng khó học nhất, cả viết và nói nên đối với người di dân chắc học tiếng Anh để giao tiếp sẽ dễ dàng hơn. Hầu hết những người tôi gặp ai cũng giao tiếp bằng tiếng Anh rất sỏi. Cách để nhận biết chữ Đan Mạch là có dấu gạch chéo trong chữ O và trên chữ A có cái vòng tròn nhỏ như kiểu mình viết độ C và hay thấy chữ a với e viết liền nhau. Trên chữ A trong Aarhus khi viết có vòng tròn bé xíu này.
Trên đường về hostel tôi đã đi lạc một vòng, nhờ vậy mà thấy được vài nơi nổi bật. Nhìn thấy Aarhus Cathedral, nơi vừa là biểu tượng vừa là nhà thờ lớn nhất thành phố này và dài nhất Đan Mạch (93m). Được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ 12 nhưng đến giữa thế kỷ 14 mới hoàn tất. Kiến trúc bên trong ngay từ đầu được xây như kiểu các nhà thờ bên Rome nhưng vào khoảng 1449 đã được xây sửa lại theo kiểu Gothic và giữ cho đến hiện tại. Kế bên là Aarhus Cathedral school cũng được xây cùng thời, trên 800 năm, cho đến bây giờ vẫn là trường trung học lâu đời nhất trên thế giới ( các con số lấy từ internet)
Đi ngang qua Aarhus theatre lúc đó đã đóng cửa, êm ru. Chỉ thấy một cô bé khoảng năm sáu tuổi mặc đầm rất xinh đang nhảy cò cò phía trước trong khi mẹ đang nói điện thoại.
Đi ngang cái bar có bảng hiệu đỏ chói “The Australian Bar”, thiệt có chút nhớ nhà. Tính tạt vào uống chút gì đó cho ấm người nhưng thang lang cả ngày hơi mệt thôi về nghỉ sớm mai đi dạo tiếp. Mà nghĩ lại uống phải có bạn có bồ mới vui, lại lâu xỉn chứ uống một mình mau gục.
Sau một đêm ngủ chập chờn, mở mắt ra là một ngày đẹp trời. Ăn sáng ngay hostel, đơn giản chỉ bánh mì, jam, và một trái táo. Thấy trong phòng ăn sáng toàn là mấy em choai choai nên mới hỏi anh phục vụ xem ở đây sắp có vụ việc gì hay sao mà nhiều người trẻ thế. Anh này cho biết là sắp khai giảng năm học mới, trong lúc chờ lấy phòng ký túc xá/nội trú các bạn này phải tự kiếm chỗ ở để chờ. A ha, chắc đây là lý do tại sao chỗ trọ nào cũng hết phòng.
Điểm đến đầy tiên là ARos, viện bảo tàng nghệ thuật lớn ở đây (Aarhus Art Museum). Ở đây chủ yếu trưng bày các tranh vẽ, mô hình và các tác phẩm khác của các nghệ nhân người Đan Mạch. Tôi không rành về nghệ thuật nên chỉ xem sơ qua.
Chỉ nhớ bức họa tên là En gondolier (A Gondolier) do Ditlev Brunck vẽ vào năm 1832 bằng sơn dầu trên canvas. Tranh vẽ một anh chèo thuyền đang ngồi trên ghế quay lưng nhìn ra dòng kênh, đầu chồm qua thành ghế nhìn xuống. Xa xa là các tòa nhà sát bờ nước, thêm một tháp đồng hồn cao ngất phía sau. Cảnh này như ở Venice.
Tầng trên cùng của ARos là một vòng tròn 360 độ toàn bằng kính theo màu thứ tự của bảy sắc cầu vòng, bạn có thể đi vòng quanh bên trong để nhìn toàn cảnh thành phố. Buổi sáng trên cao lạnh tê, lại nhiều gió. Tôi đi chậm nhìn từ từ. Tự nghĩ ý tưởng này hay quá nhắc con người ta phải nhìn đời qua lăng kính đủ màu mới sống  và tồn tại vững được. Đi một hồi gặp anh kia cũng đi một mình, thấy tôi liền làm dáng nhờ chụp dùm tấm hình kỷ niệm. Nhìn bộ máy chụp ảnh đồ sộ, tôi nghĩ anh kén chuyện hình ảnh nên chẳng thèm lấy điện thoại để selfie.
Nơi để lại ấn tượng nhiều với tôi là Den Gamle By (The old town). Từ trung tâm có thể đón bus đến đây nhưng thấy trời nắng trong quá nên tôi đi bộ. Dọc bờ sông Aarhus gần phố còn thấy nhiều người ngồi phơi nắng, đi xa một chút chẳng còn thấy ai. Cứ thế tôi đi tà tà. Mất gần nửa tiếng.  Đây như là một khu bảo tàng mở, gồm hơn 70 ngôi nhà xưa từ nhiều nơi trong nước được đem về đây trên một khu đất khá rộng và được thiết kế như một khu phố ngày xưa của Đan Mạch.

Có hồ nước, có ghe, có quán ăn, quán cà phê, tiệm bán đồ sứ, các khu dân cư với vườn rau, cây ăn trái.. Những căn nhà mái xuôi đủ màu, đủ kiểu, kích cỡ khác nhau nhưng có một điểm chung là nhà gỗ, các thanh gỗ sậm màu nổi ra bên ngoài. Căn nhà cũ nhất được xây vào năm 1597. Các bảng hiệu hoa văn kiểu cọ, chữ mờ nhạt. Bắt gặp chiếc xe đạp này có từ năm 1927 trước một cửa tiệm. Mùa ấm hay vào những ngày khác thì không biết sao chứ khi tôi ghé nơi này khá vắng. Tôi như “chìm” vào ngày xưa mà không bị ai quấy rầy như những địa điểm du lịch khác.  





Rời Den Gamle By tôi đi trở lại khu trung tâm.
Thời gian còn lại ở Aarhus tôi mua một ly cà phê ngồi nhâm nhi trên phố ngắm kẻ qua người lại. Buổi trưa không khí vui vẻ hơn, các quán cà phê, quán ăn khách ngồi đông vô kể. Thì ra nơi này trẻ thật. Tôi ăn trưa rồi về hostel lấy đồ và ghé ngang chào mấy bác đồng hương trước khi đón xe về lại Copenhagen. Gặp được bác gái vợ của bác lớn tuổi đã hứa chở tôi về nhà hôm qua, bác hỏi một câu mà đến giờ mỗi lần nhớ lại hay kể lại tôi đều cười mém té. “Con ở Úc qua ha, vậy bên đó con ở làng nào?”

Aarhus chỉ có vậy, đơn giản, mộc mạc, trẻ trung một cách khác với những thành phố ở Châu Âu nhưng cũng có cái hay của nó. Chắc đây không phải là điểm “hot” của khách du lịch nhưng một khi đã ghé qua rồi sẽ lắng lại trong bạn một chút gì đó nhẹ nhàng và một chút ..thơ
Khoác áo choàng khăn chiều lang thang phố lạ
Nơi những dấu chân in lại chỉ một lần
Ánh nhìn đó vẽ lại thoáng bâng khuâng
Mặc chân trời nhập nhòa pha xanh pha tím…












Sunday 18 September 2016

Oktoberfest năm nào


Mùa Oktoberfest lại về. Những hồi ức mùa lễ hội lại quay về với tôi, một điểm nhấn trong chuyến đi vào mấy năm trước.
Chuyện là vầy...
Từ trước đến giờ tôi chưa từng uống hết lon bia mà lần này cố tình đi Oktoberfest để thử bia mới ghê. Và đã uống hết 1 lít bia chỉ trong vòng vài giờ, bây giờ nhớ lại vẫn thấy phục mình quá cỡ.
Oktoberfest là lễ hội bia lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm ở Munich thuộc bang Bavaria,Đức. Lễ hội kéo dài khoảng hơn hai tuần từ tuần lễ thứ ba của tháng Chín đến Chủ Nhật đầu tiên của tháng 10. Oktoberfest có lich sử lâu đời bắt đầu từ năm 1810, ban đầu chỉ dành cho những người trong vùng nhưng ngày càng được nhiều người trên thế giới biết đến. Theo thống kê những năm gần đây số người đến tham dự có thể trên 6 triệu người trong vòng 2 tuần ngắn ngủi. Đa số là người Đức, chiếm khoảng 70%, phần còn lại đến từ các nước Châu Âu và các lục địa khác.

Số lượng bia tiêu thụ trong mùa lễ hội có thế lên đến 7 triệu lít, và chỉ bia được làm ở Munich mới được bán ở đây. Nồng độ cồn ít nhất phải là 6%alc.
(source- Wikipedia- các số liệu lấy từ đây)

Nếu bạn có mặt đâu đó ở Châu Âu trong khoảng thời gian cuối tháng Chín thì nên sắp xếp đi một lần Oktoberfest cho biết. Nhất định không hối hận đâu, nhưng nhớ phải dành ra một khoản tiền kha khá đấy nhé.
Về chỗ ở và vé tàu xe thì khỏi phải nói rồi, rất đắt đỏ vì đây là peak time của ngành du lịch ở Munich. Nếu muốn tiết kiệm một chút thì nên book các thứ trước càng sớm càng tốt. Còn nếu tình hình tài chánh của bạn không có vấn đề thì vô tư, cứ từ từ nhưng cũng đừng để cận ngày đi quá vì tất cả các chỗ trọ đều cháy phòng.

Nói thêm về chuyện ở, có thể tiết kiệm thêm một chút nếu bạn không ở ngay trung tâm Munich hay gần nơi lễ hội mà ở các vùng lân cận. Khoảng cách trong vòng 1-1:30 giờ di chuyển là chuyện nhỏ, có thể ở chơi đến tối. Dù tôi may mắn có người quen ở Munich nhưng để đi tới nơi tổ chức lễ hội cũng phải hơn 40 phút, đi buýt một chặng rồi đổi qua xe lửa.  Chỉ sợ một điều buổi tối uống say lơ mơ không nhớ đường về xém chút bị lạc như tôi hôm đó. Tối hù, ra khỏi ga phải hỏi hai ba bận mới ra đúng bến đợi xe bus. Gió lạnh run. Khách chờ xe cũng còn đông nên bớt sợ. Xe chạy đến mỗi trạm bác tài xế có thông báo tên trạm nhưng lại bằng tiếng Đức, bọn tôi thua.  May thay về gần đến nhà lúc này khách đã xuống gần hết nên mới thấy anh chủ nhà, mừng như sắp chết đuối lại vớt được phao.
Tiết kiệm thêm chút nữa là nên ăn uống no nê ở nhà trước khi đi trải hội, vào đó chỉ uống bia và ăn một vài món gì đó đơn giản thí dụ như bánh pretzel hay xúc xích trắng. Lễ hội mà, ở đâu cũng vậy,  chuyện ăn uống mắc hơn bình thường là lẽ dĩ nhiên. Sẽ nói chi tiết về đồ ăn ở đoạn sau.

Về đường đi nước bước thì khỏi phải lo, đi là sẽ đến. Đến mùa Oktoberfest ở các trạm xe, ngay cả ngoài đường chỗ nào cũng có bảng chỉ dẫn làm sao để đến địa điểm này. Hoặc bạn có thể hỏi bất kỳ ai trên đường. Tiếng Đức họ gọi Oktoberfest một cách ngắn gọn là “wiesn” . Vì là mùa lễ hội nên nhìn ai cũng tươi rói, rất vui vẻ để giúp nếu mình hỏi. Hoặc là như bọn tôi, chỉ đi theo dòng người, nhất là những người mặc trang phục cổ truyền của Đức thì khỏi lo, mọi người chỉ đi về 1 hướng, sẽ tới thôi.


Nhìn sơ qua không khí và cách bày biện giống như hội chợ bên mình. Có nhiều quầy bán đồ ăn, đồ lưu niệm. Có rất nhiều trò chơi dành cho trẻ con. Lúc nào cũng nghe thấy tiếng nhạc nhưng họ chơi nhạc êm dịu trong ngày, buổi tối sẽ nghe nhạc xập xình hơn. Cuối tháng Chín bên này trời bắt đầu tối sớm nên khoảng sau bốn giờ đã thấy đèn đóm lung linh khắp nơi.


Ở đây bia chỉ được bán trong các lều (tents). Lều lớn chắc đâu hơn 10 cái, còn lều nhỏ thì khá nhiều. Sự khác biệt giữa hai loại lều là trong mỗi lều lớn sẽ có ban nhạc sống, có nhà bếp khá rộng, có bàn ghế ngồi, có nhiều lều có đến hai tầng. Và tiện nghi nhất là có nhiều toilets. Còn lều nhỏ chỉ là một khung vuông nhỏ nhỏ có mái che, như cái quầy bar nhỏ.


Bọn tôi hai đứa bon chen vào được hai cái lều lớn. Một cái bán ly bia 500ml và một cái bán ly 1 lít. Mỗi lều chỉ bán duy nhất ly 1 size thôi nhé. Vào các lều lớn bạn sẽ thấy không khí lễ hội rỏ hơn. Ai đang buồn buồn sầu sầu nên vào đây, bạn sẽ bị cái nhộn nhịp, tiếng hát, tiếng nhạc và những bước nhún nhảy cuốn vào. Hết buồn ngay.
Ban nhạc hát những bài hát đồng quê, tôi không hiểu nhưng hỏi những người Đức chung quanh họ nói vậy. Có người biết lời thì hát theo, hoặc nhảy theo điệu nhạc. Mọi người quàng vai nhau nhảy nhót vòng vòng, không kể là có quen hay không, không kể già hay trẻ. Có người chỉ đứng im lặng một góc để thưởng thức bia và nhìn những gì đang xảy ra chung quanh. Đó cũng là một cách thưởng thức tôi nghĩ. Có người say bí tỉ, té lên té xuống và mấy anh bảo vệ phải đỡ lên lôi ra ngoài. Có mấy ông to con quá vài người phải rủ nhau khiêng ra. Nói chung là không khí này không thể diễn tả hết bằng lời, bạn phải tận mắt chứng kiến mới cảm nhận hết.


Bây giờ nói tới chuyện mua bia. Mặc dù nhìn đâu cũng thấy bia, người uống người cheers nhưng để mua được một ly bia trong các túp lều lớn cũng trần thân trừ phi bạn có book trước chỗ ngồi, họ sẽ phục vụ tận bàn. Nhưng dân du lịch như bạn và tôi thì chắc không bao giờ có vinh dự được kiểu cơm bưng bia rót này. Nghe nói giá đắt ghê lắm. Thường chỉ dành cho các công ty hay hội đoàn, hay những người có tên tuổi và họ phải đặt trước cả năm.



Vì thế có 2 cách để mua. Một là có thể chen chúc chờ ở quầy. Hai là có thể gạ gẫm các cô bưng bia, nên nhờ các bác trai lớn tuổi đứng xung quanh làm việc này. Nhưng nên hỏi trước giá tiền và nên chuẩn bị đúng số tiền đó vì các cô không bao giờ có tiền thối lại, tiền dư coi như tip. Vào thời điểm 2013, một ly bia 500ml giá 15eu, 1 lít giá 25-30eu.

Và để lót dạ trước hay trong lúc uống bia thì có bánh pretzel. Loại bánh rất phổ biến ở các nước Châu Âu, đặc biệt là Đức. Bánh được làm bằng bột mì, có hình xoắn giống như 2 bàn tay chụm lại. Nướng vàng ươm nhìn rất hấp dẫn, phía bên ngoài dính nhiều hạt muối hột to to. Ăn cũng vui miệng nhưng ăn rồi rất khát nước. Đây chắc là chủ ý của họ để bạn uống thêm nhiều beer chăng? Thêm một món khác bạn nên thử là xúc xích trắng, cái sausage màu trắng tròn, ngắn, có thể chọn ăn với nhiều loại sauce khác nhau. Đây cũng là món chỉ thấy ở Munich. Ngoài ra có rất nhiều món ăn khác để lựa chọn ở các quầy bán đồ ăn còn bên trong lều tôi chỉ thấy có mỗi bánh pretzel.

Nhìn những dĩa đồ ăn đầy ắp hấp dẫn ở nhà bếp. Nhìn mấy anh phục vụ bê các đĩa đồ ăn một cách điệu nghệ đã đủ thấy một phần màu sắc của lễ hội. Còn việc bưng bia là của các cô. Đứng nhìn mấy cô đi thoăn thoắt tôi phải công nhận họ thật khỏe. Trung bình mỗi lần ôm 5-6 ly bia, mỗi ly 1 lít chưa kể cái ly rất dày và nặng. Phải làm liên tục từ sáng tới tối. Không biết buổi sáng các cô có vui cười niềm nở với khách hay không chứ tôi đi buổi tối toàn thấy cô nào cô nấy rất căng, nét mệt mỏi hiện lên mặt. Bạn hỏi ít khi họ trả lời. Nghe đâu vì công việc vất vả nên trong vòng hai tuần có cô kiếm được tới 12000eu, bao gồm tiền công và tip. Một con số không nhỏ tí nào.




Nhéo một miếng bánh, nghe ngòn ngọt, mằn mặn nơi đầu lưỡi rồi uống một ngụm bia mát lạnh và nhìn thiên hạ xung quanh. Tôi vui lây cái vui của họ. Và mang về một chút vui cho riêng mình. Cái vị đó sẽ đọng lại mãi.





Tuesday 13 September 2016

đã quá một con đường...thôi rẽ trái

Có nhiều nơi đã đi qua mỗi lần nhớ lại tùy theo nơi nào, ở đâu, khoảng thời gian nào…sẽ gợi lại những điều khác nhau. Có thể là một màu đặc trưng nào đó, một con đường, một mùi hương, một món ăn, một câu nói hay một cái nhìn. Những điều này chưa hẳn là những điều mình thích hay hài lòng nhưng bằng cách nào đó đã ở lại trong ký ức lâu và rõ nhất. Và mỗi khi bắt gặp lại hay có cảm giác từa tựa thì hoặc là có chút nao nao, hoặc là mỉm cười vu vơ hoặc là đá đại thứ gì đó đang ở dưới chân nghe “xoảng” một tiếng và bước tiếp.


Busan- 2011



                                                                    Sầu riêng ở Brunei- 2012

Monday 5 September 2016

Bình yên

Có khỏang lặng giữa trời đất mênh mông
Ta nghỉ ngơi từ bao ngày vội vã
Dòng nghĩ suy được đôi lần thư thả
Ta vọng bình yên những phút giây.Mơ.


Thursday 1 September 2016

Copenhagen- Vài chuyện nhặt





Một vài chuyện nhặt tôi rút ra sau chuyến đi. Có liên quan đến lộ trình của bạn không? Chưa chắc nhưng hy vọng giúp được tí xíu trước khi bạn đặt chân lên thành phố hiền hòa lắm sắc màu Copenhagen.

Thứ nhất, chuyện tiền bạc. Đan Mạch cũng thuộc khối Châu Âu nhưng đơn vị tiền tệ họ sử dụng là Danish Krone (DKK) chứ không phải euro. Lệ phí đổi tiền ở Copenhagen khá cao, đa số mấy chỗ đổi tiền tôi đi ngang thấy là 13%, không chính xác là 12.99%, bất kể số tiền bạn muốn đổi là bao nhiêu. Trong lúc lang thang tôi phát hiện ra một chỗ đổi tiền không lấy phí mà giá cả cũng tương đương với mấy chỗ khác là từ cổng sau nhà ga trung tâm đi thẳng qua bên kia đường, ngay đó có một con đường nhỏ (tiếc là không nhớ tên) đi vào 50m có cái Western Union với bảng chữ lớn “Money exchange- NO COMMISSION”. Hoặc nếu đến bằng xe lửa từ Hamburg thì có một đoạn phải qua phà, và trên phà vừa có cửa hàng miễn thuế vừa có chỗ đổi tiền, phí chỉ có 4%. Còn không thì nên xài thẻ, dĩ nhiên vẫn mất phí đổi ngoại tệ nhưng tùy theo thẻ của ngân hang nào. Còn chuyện cất giữ tiền hay sợ bị cướp giật tôi thấy không đáng lo lắm nhưng cẩn thận vẫn hơn nhất là khi share phòng với người lạ.

Thứ hai, chuyện chụp hình. Cũng như đi đến bất cứ nơi nào khác trên thế giới, bạn nên tôn trọng luật lệ của nơi đó. Và trước khi chụp hình một ai đó hay thứ gì đó của họ thì theo lẽ thường mình nên xin phép trước. Ở Copenhagen có một nơi gọi là Freetown of Christiania, nằm trong khu Christianshavn, phố của những con kênh (canals). Freetown này là nơi tự trị, họ có luật pháp riêng (hay không theo luật gì cả) và chính phủ ở đây cho họ cái quyền đó. Nghe đâu chính phủ để đó như là một thí nghiệm du lịch trong vòng vài năm xem sao. Phần lớn dân ở đây nhập cư, tôi có hỏi các anh bán hàng thì họ nói có nhiều người đến từ Nepal và các nước phía nam Âu như người Thổ, Hung..

Cũng là một địa điểm nên đến trên tấm bản đồ dành cho khách du lịch nhưng có hơi đặc biệt. Tôi cũng giật mình khi đến đây. Chỉ qua một con kênh  thôi mà khác hoàn toàn, như thấy một thế giới khác.
Trong khu Freetown này bạn muốn mua quần áo cũng có (nhiều đồ thổ cẩm), đồ lưu niệm cũng có, đồ ăn cũng có, thức uống có cồn cũng tự do, và cả ma túy các loại cũng được bán tự do. Có điều là cấm tuyệt đối không được chụp hình. Đây chắc là luật lệ duy nhất từ chính phủ? Họ không muốn hình ảnh của khu này làm ảnh hưởng đến hình tượng có thành phố/của Đan Mạch? Các bản cấm để khắp nơi, vừa vào cổng 1 chút là có 2 anh ngồi trên ghế giữa đường nhắc nhở. Tôi vừa cầm máy lên định …tắt ( vì nãy giờ chụp từ cổng chụp vào, vừa nhìn thấy bảng cấm thôi) đã nghe tiếng hét sau lưng “NO PHOTO”!!!  Nơi này xin phép cũng không được nhé.

Thứ ba, chuyện đi lại trong thành phố. Trong mấy ngày ở đây tôi toàn đi bộ nên chỉ biết sơ sơ về hệ thống di chuyển công cộng nơi này. Có bus và metro trong trung tâm, và ra ngoài trung tâm thì có S-lines, và hình như là có chia zone. Metro ở đây tự động, không có người lái nên cửa sẽ mở đóng như thời gian đã Set sẵn, không phải chờ mọi người lên xe hết cửa mới đóng. Có chuyến mỗi 2-4 phút tùy theo giờ trong ngày. Nếu bạn có trễ hay xe chật quá thì nên chờ chuyến kế tiếp, chớ nên chen vào vì nếu hai cánh cửa kia tự động khép lại thì không biết phần nào trên cơ thể sẽ rụng xuống trước. Nói đùa chứ cửa có sensor, chắc không đến nỗi nào. Hoặc bạn có thể mướn xe đạp để đi lại, chỉ nên cẩn thận vì người dân ở đây họ đạp rất nhanh và không theo luật như các loại xe khác.

 Và thứ tư, walking tour.  Cũng như các thành phố lớn khác ở Châu Âu, ngay trung tâm Copenhagen mỗi ngày bạn có thể tham gia Free Walking tour. Tin tức về các tour này có thể tìm thấy ở các quầy thông tin ở sân bay, ga xe lửa hay trong hotel/hostel. Các tour này đều bằng tiếng Anh, do người bản xứ hay những bạn cũng đi du lịch làm thêm. Mấy bạn tourguide không nhận lương mà chỉ nhờ vào tiền tip. Thường họ sẽ đến các hostel trong trung tâm để đón khách, hướng dẫn bạn tới nơi tập trung chính và sau đó sẽ chia ra từng nhóm nhỏ rồi mới bắt đầu đi. Nếu bạn đi du lịch một mình thì đây là cơ hội để kết bạn, trao đổi kinh nghiệm..Tour kéo dài khoảng 3 tiếng và khi kết thúc tour thì bạn muốn tip cho người hướng dẫn bao nhiêu tùy bạn, hoặc không tip cũng không sao.

Trong chuyến đi Châu âu tôi đã theo 5 walking tours khác nhau và thấy họ tổ chức cũng chuyên nghiệp, nhiều thông tin hữu ích, các bạn hướng dẫn thường trẻ, vui, và nhiệt tình. Vì đi một mình nên chương trình của tôi là buổi sáng đầu tiên tới một thành phố mới tôi sẽ đi theo tour, sau đó trong ngày và các ngày còn lại sẽ tự trở lại các nơi mình thích tham quan lâu hơn, và đến những chỗ tour không đi qua. Nếu bạn có lên kế hoạch sẵn ở nhà thì cứ theo kế hoạch, còn không thì nên tham gia một trong những tour này một lần cho biết, cũng là một cách trải nghiệm thú vị.






Monday 29 August 2016

Con đường cũ


Hôm qua chạy xe lạc vào con đường nhỏ
Bên góc chợ lâu đời
Quán cà phê góc đường không còn nữa
Giờ quán bán linh tinh
Tiệm sách bên hông cũng không còn nữa
Bên trong tiếng nhạc xập xình
Nhớ những ngày đại học
Lật tới lật lui

ghé đôi ba bận
Chẳng đủ tiền mua


Tuyến xe tram 19 vẫn leng keng quẹo ở cuối đường
Một thời tơ mơ
Bốn năm dài tưởng chừng đăng đẳng
Mà lại quá ngắn vô lo?

Giảng đường đâu dạy tôi tất cả
Là những ngày thực tập
Là những ngày chạy vắt giò sau giờ học đến làm thêm
Là những đôi co
Rồi thứ Bảy chẳng ai tìm

Là ba tháng hè lẩn quẩn kéo cày không ngơi nghỉ dạy tôi khôn


Vẫn dáng oắt con
Mái tóc cua tròn
Tôi đời hơn đời tưởng

Mười tám hai mươi hai hai
Biến tấu từng ngày trôi qua như thế
Chân trong giảng đường chân lao lách nắng mưa

Nhớ lại những giờ nghỉ trưa
Những hôm nắng thừa
Tôi từng trẻ con hơn tôi tưởng...

Tuesday 23 August 2016

KTX..Viết cho người không yêu? Cũng không hẳn

Gió không len vào những hành lang tối
Mây như ngừng trôi từ cửa sổ úa màu
Một khung cảnh hỗn độn thấy nao nao
Này sách vở quần áo nồi nêu rồi giày dép
Không gian nhỏ hẹp
Là gia sản của bốn con người
được gọi "sinh viên"

Một đang ngủ vùi
Một cặm cụi ôn thi
Một ngồi cắn bút ghi ghi (hình như viết thư về xin tiền má?)
Một đi gõ đầu thiếu nhi từ sớm

Có những chiều trời còn lóm đóm
Nhìn xa xa mà nhớ quê nhà
Cơm trắng nơi này sao mà đăng đắng
Canh không ngọt bằng canh của nhà quê

Những ngày thật ngắn
Những ngày lê thê
Những chiều về với bộn bề nỗi nhớ

Một tuần sáu Thứ, Chủ Nhật dư
Nào sách vở giảng đường nào cày cọc
Nào những bông đùa ghệ gọc cà phê
Nào những cơn mê giữa mùa thi
Ta bận (..hận)

Có khi thật ngắn có khi như dai dẳng
Rồi cũng trưởng thành từ gió từ mưa
Từ ký túc xá chiều nắng lưa thưa
Khi ra trường vương áo nhau..mùi nhớ.


Sunday 21 August 2016

"The man from U.N.C.L.E"

A mechanic from East side of the wall.
A poor soul with psycho complicated background, lovely strong Soviet accent.
A womaniser with magic hands.
The watch
The rings
The wines...
The music tears through Italian water, vibrates the so called non-sleep city
The ruins
The calls
The chemicals esp. Uranium
And the chemistry of relationships
It seems we all live under some sort of cover and the real identity might never be uncovered.

Tuesday 16 August 2016

Amsterdam vàng cam trong mùi cỏ



Không biết bạn thì sao chứ mỗi lần nghe tên Hà Lan là tôi nghĩ ngay đến rất nhiều thứ nào là hoa tulip, cối xay gió, xe đạp, rồi còn màu cam ngọt mà chói, những dòng kênh và mùi hương đặc trưng cứ thoang thoảng trên các con phố ở Amsterdam. Đính chính là không phải mùi sữa đâu nhé, mặc dù sữa ở nước này nổi tiếng xưa nay đối với người Việt mình. Tôi ghé Amsterdam vào đầu tháng 9 nên trời đã lành lạnh, buổi sáng đầu tiên lại thiếu nắng và có gió nên phải khoát áo choàng khăn. Mọi thứ ‘đặc sản’ của thành phố vẫn đó, chỉ là không đúng mùa để thấy hoa tulip tươi mà toàn hoa gỗ và giấy, nhưng củ tulip được bán vô số ở chợ hoa.

Điểm đặc trưng của Amsterdam mà ai cũng biết đó là những con kênh và những chiếc cầu ngắn được bắc qua. Ngoài việc làm cầu nối qua kênh, đây còn là nơi để đậu xe đạp. Bởi vậy không thấy một cây cầu nào có thành xi măng, mà toàn song kim loại, một công cho nhiều việc?
Các dãy phố ở hai bên bờ kênh với bề mặt phẳng, thẳng đứng và các chóp nhà cong cong tùy theo thời điểm được xây cất cũng đặc biệt. Màu sơn toàn là màu sẫm, hoặc có thêm viền trắng nên làm gương mặt phố trông như một ông bác đứng tuổi, có phần khó khăn. Nhưng bù lại, phần khó khăn đó như dịu đi bởi cái rộn rịp, nhanh nhẹn của các đoàn xe đạp và rồi tiếng chuông xe, nhất là vào buổi sáng.

Cái thú buổi sáng ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng trước một bakery nhỏ bên dòng kênh, nhìn người ta đạp xe qua lại chỉ có ở Amsterdam. Xe đạp cũ mới đủ loại. Và người chạy cũng không ai giống ai, có người mặc đồ lịch sự mặc váy mang boots, rồi có người cà vạt áo vest, có người xềnh xoàng chở thêm một cái giỏ như giỏ đệm bên Việt Nam để đi chợ, có người bận đồng phục đi học, có người lại mặc đồ thể thao…Trông ai cũng có vẻ hối hả, vì thế họ chạy cũng hơi nhanh. Khoảng cách từ dãy phố đến bờ kênh không rộng lắm nên buổi sáng nếu bạn đi bộ thì cũng nên cẩn thận.

Một điểm đặc biệt đối với xe tram ở Amsterdam là trên xe có bác tài và một quầy bán vé ở giữa xe (ngay cửa hông) có nhân viên hẳn hoi. Bạn có thể mua vé trước hay lên xe mới mua nhưng đi chui thì hơi khó à nha.
Với các thành phố ở hướng Tây Âu, tôi không đi solo mà có hai cô bạn đồng hành. Trong chuyến đi 7 tuần thì có gần 3 tuần đi chung với các cô này, nhằm lúc đang mùa nghỉ bên Đức nên hẹn nhau đi chung. Tụi tôi chọn ở guesthouse ngay khu Jordaan, cách ga Amsterdam khoảng 10 phút đi tram. Khu này xưa giờ dành cho giới bình dân, đông nhất là người nhập cư. Với nhiều dãy phố nhỏ, nhiều quán cà phê và quán ăn và gần trung tâm nên rất tiện đi lại.
Căn phố tôi ở nằm kế bên quán Lust. Cô chủ trẻ hôm đó phải đến trường nên đã gởi chìa khóa trong quán cà phê này với đầy đủ chi tiết cách vào nhà. Ấn tượng đầu tiên cũng không tệ. Và sau 2 ngày vẫn là cảm giác đó, hài lòng và không tệ tí nào.
Cũng nên nói một chút về màu và mùi ở Amsterdam (hay màu của Hà Lan nói chung). Về màu sắc thì màu cam (Orange) là màu của hoàng gia Hà Lan và cũng là niên hiệu qua nhiều đời vua. Lấy nguồn gốc từ một thị trấn nhỏ cùng tên ở miền nam nước Pháp từ việc vua Henrik đệ tam cưới vợ là Claudia vào năm 1515 (nguồn: internet). Đặc biệt người dân nước này cũng rất yêu thích màu cam. Y như rằng mỗi lần đội đá banh Netherlands ra sân là cả một trời cam xuất hiện, từ trên sân cỏ đến phía khán giả ủng hộ, ở nhà tôi vẫn hay đùa là “đẹp rạng ngời mà lại chói lóa nên áp đảo đối phương là vì đó”.
Và về mùi thì cũng rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được. Nếu bạn đã ngửi qua mùi cannabis (cần sa) một lần sẽ nhớ mãi và rất dễ nhận ra mặc dù không thể diễn tả bằng lời. Chắc là do bệnh nghề nghiệp nên khi đi trên các đường phố ở Ams lúc nào mình cũng nghe thoang thoảng mùi này, nhất là vào buổi tối trong khu đèn đỏ. Trong không khí đặc quánh với dòng người nườm nượp, bên các bờ kênh lung linh, có lúc nghe mùi rất nặng.
Không biết nên buồn hay vui vì đây cũng là một cách để thu hút khách du lịch của thành phố. Nghe đâu mỗi thành phố ở Hà Lan có luật lệ riêng về chất gây nghiện này, nhiều nơi bạn phải có membership card mới được vào các quán để hút. Và card chỉ cấp cho người dân Hà Lan trên 18 tuổi. Trong các “coffeshop” họ chỉ được bán loại thuốc nhẹ tới nồng độ THC nào đó thôi, nhưng theo tôi nếu được trồng được bán tự do thì việc kiểm soát không phải là dễ.
Cùng với màu cam chói chang và cái mùi đặc trưng mà tôi đã nhìn thấy rồi lẫn vào, đôi chân tôi đã in dấu ở thành phố sông nước Amsterdam. Một nơi vừa già vừa trẻ với nhiều điểm riêng biệt chỉ tìm thấy ở nơi này. Một nơi tôi sẽ trở lại, có lẽ vào mùa xuân với hoa thơm và cỏ quen chứ không lạ.







Tuesday 9 August 2016

Nắng về

Chỉ mới hơn bảy giờ sáng mà nắng đã tràn vào cửa sổ. Nắng trải vàng cả thảm cỏ còn lấp lánh sương. Lạnh chứ chưa ấm, nhìn vậy đừng có tưởng lầm mà phong phanh áo mỏng.

Ghé vào đổ xăng khi còn cách chỗ làm chừng 10 phút. Sáng nay ít xe, đường thoáng. Chắc nhờ nắng vàng. Một tay cầm vòi cho xăng vào xe tay kia vẫn giấu trong túi áo dày, mắt nhìn lơ đãng ra trạm xe bus phía trước. Hai cô bé mặc đồng phục vừa cười lớn vừa bước lên xe, váy ngắn lại chẳng thấy mặc áo khoát, tóc tóm cao lắc lư.

Phía sau tự nhiên có tiếng nói mà không biết phải nói với mình hay với ai "Sáng nay trời đẹp cứ như bắt đầu xuân" . Tôi cũng nói một câu vừa như tự nói với mình vừa trả lời người kia "ừ, nắng nhiều. Còn ba tuần nữa hết mùa đông". Nói về thời tiết cũng là một cách làm quen và bắt đầu câu chuyện. ít nhất là đối với tôi. Hồi mười mấy tuổi cho mấy câu bâng quơ kiểu này nhạt nhẽo nhưng càng lớn hay càng già mình thay đổi lúc nào không hay. Có lẽ một phần do tiếp xúc thường với những người có ngày tâm trạng của họ đổi tông đổi màu như bốn mùa riết rồi bị lậm. Biết đâu tôi đã thành một trong số họ.

đổ đầy bình xăng, trả tiền rồi lái xe đi tiếp. Nắng vẫn đổ đầy ngoài sân, tôi mở cửa lách vào bên trong để bắt đầu một ngày thứ Hai lắm việc. Ngày duy nhất trong tuần được dân gian ưu ái đặt tên "Mondayitis". Một triệu chứng thì đúng hơn.
.
.
.

Sau 5 giờ cuối chân trời còn ưng ửng chút hồng xanh. Trong và sáng. Quẹo vào con đường nhỏ quen thuộc lại giật mình vì hoa mận đã nở hồng một góc vườn kia. Cái cây đó không biết đã bao nhiêu tuổi mà năm nào cũng hăng hái nở sớm nhất lại rực rỡ nhất con đường. Trời vẫn lạnh nhưng đã bớt vẻ âm u của buổi chiều mùa đông. Mọi thứ có vẻ hớn hở hơn thứ Hai tuần trước.

Nếu những cây đào thôi không chờ xuân nữa
Mà nứt mình rạng rỡ giữa đông...
Và hai ta thôi bớt lòng vòng
Kẻo sương sớm chạm má hồng rồi tan mất...

Monday 1 August 2016

Monaco- đại gia và gái đẹp


Một đất nước với nhiều cái “nhất” trên thế giới. GDP cao nhất.  Tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất (2% trở lại). Đắt đỏ nhất. Thành viên nhỏ nhất của khối UN. Mật độ dân số mỗi km2 cao nhất. Diện tích Monaco chỉ có khoảng 2km2 , chỉ lớn hơn có mỗi Vatican. Monaco còn được dành cho cái tên đặc biệt là “Tax heaven country”, nơi này được những người đi làm ăn lương thích nhất vì không phải đóng thuế thu nhập, tax free. Kể cả các doanh nghiệp cũng bị tính thuế rất thấp. Nhưng bù lại phải đóng bảo hiểm sức khỏe cũng thuộc hàng cao nhất.

Đây cũng là nơi có nhiều đại gia nhất và cả chân dài (?), và số những cặp đôi có tuổi tác chênh lệch nhiều cũng thuộc hạng đông nhất mặc dù không có thống kê chính thức. Chỉ cần nhìn vào hai thế hệ nắm quyền Monaco (được gọi là Prince of Monaco) gần đây cũng đủ thấy sự liên quan giữa đại gia, quyền lực và người đẹp. Prince Rainier (đệ tam) kết hôn với nữ diễn viên đẹp nổi tiếng của Mỹ là Grace Kelly vào năm 1956. Sự kết hợp này cũng một phần làm nổi thêm tên tuổi của đất nước nhỏ bé này. Và con trai duy nhất của họ là Prince Albert (đệ nhị), người đã lên ngôi từ tháng 3, 2005 luôn luôn là nhà bảo trợ của hoa hậu hoàn vũ ( Miss Universe) mỗi năm.

Hình như đã đọc đâu đó một khi hoàng gia Monaco không có con trai nối dõi, chế độ quân chủ(?) (monarchy) sẽ không còn và đất nước giàu có này sẽ thuộc về Pháp. Có thể chỉ là ký kết của một triều đại nào đó thôi, chắc cần kiểm chứng lại. Mặc dù là một nước riêng biệt, nhưng cho tới ngày nay, mọi thứ ở đây đều liên quan đến Pháp. Như là một thành phố tự trị thì đúng hơn.

Và cái nhất cuối cùng có liên quan tới Monaco thuộc về tôi đó là thời gian dành cho nơi này ngắn nhất, chỉ có 3 tiếng đồng hồ. Chỉ kịp ngắm một chút xíu còn lại của buổi hoàng hôn. Lý do là vì Monaco không nằm trong hành trình, chỉ là phút cuối mới quyết định đi. Đáng lẽ là dành 2 ngày trọn vẹn cho Nice nhưng có người khuyên nên ghé Eze, và vì Monaco cách Eze có 10 phút nên sẵn tiện đến luôn cho thỏa cái tính tò mò. Tính ghé ngang xem đại gia có dập dìu như lời đồn hay không, biết đâu mình đổi đời từ đó. Tôi cười nói đùa với anh tiếp tân ở khách sạn như thế trước khi ra khỏi cửa. Ảnh cũng cười cười “Biết đâu”.

Như đã nói ở trên, tôi mua vé ngày từ Nice đến Monte Carlo, thủ đô của Monaco. Nếu nhớ không lầm thì chuyến xe lửa cuối cùng từ đây về Nice là 22:30, bạn nên để ý ga cuối xe chạy đến Nice là ga nào, vì có khi mình bắt đầu từ ga đó mà lúc về tuến xe không chạy đến đó thì phải đón bus về chỗ trọ.  Tôi gặp trường hợp này nên phải chạy lòng vòng kiếm bus như đêm hôm trước. Có ai ngờ ở đây có 2 đêm mà cả hai dêm đều phải bôn ba tìm cách về khách sạn. Chỉ là vấn đề cỏn con nhưng làm tôi nhớ câu nói của Primo Levi (ông bị bắt về trại ở Auschwitz năm 1944 nhưng thoát chết) về lịch sử nạn diệt chủng của người Do Thái “It happened, therefore it can happen again: this is the core of what we have to say”. Chuyện chạy ngược chạy xuôi kiếm xe chỉ là con kiến so với con người nên có những chuyện xảy ra một lần đã dư, mong đừng xảy ra nữa.

Vì đêm hôm trước ngủ trễ nên buổi sáng xuất phát hơi trễ, đến Eze đã quá trưa. Cà kê ở đó cũng lâu, khi ra khỏi ga Monte Carlo đã gần 7 giờ tối. Chỉ kịp đi bộ dạo quanh Port Hercule.

Ga xe lửa nằm trong lòng đất, phải lên nhiều tầng thang cuốn mới đến mặt đường.
Và trên mặt đường, lúc này hơi vắng, trời nhá nhem.  Với tôi con đường trước ga có phần giống bên Ý. Mặt phố sờn cũ cũ, chẳng biết diễn tả sao cho đúng thôi chỉ nói mọi thứ nhìn có vẻ lười nhác như buổi chiều muộn.

Trên đường đi ra cảng ngang qua cái nhà thờ trắng nhỏ nằm lọt thỏm giữa vách núi và biển, phía trước đã thắp đèn.

Ngoài cảng, trời có vẻ sang hơn những cũng chỉ kịp bắt chút ánh hồng còn sót lại.
Qua một quán bar nằm chìa ra nước với kiểu trang trí nhẹ nhàng thoải mái. Những chiếc ghế dựa trắng dài, những chiếc bàn dài kẻ dọc trẻ trung, và những ô vuông màu trắng, lóm đóm ánh đèn. Chỉ thấy vài ba người khách đang ngồi nhìn ra biển.

Dọc theo bờ nước lúc này đã vắng người, chỉ còn những chiếc du thuyền đủ kiểu đủ kích cỡ yên lặng bập bềnh theo từng đợt gió.
Khi quay lại trời đã tối, đi về đường trong cho bớt lạnh. Đi ngang khu Fairmont Hotel và Sun casino, tiếng nói tiếng cười từ trong vọng ra từ trên cao. A'nh đèn lờ mờ đủ thấy khu vườn phía trước với nhiều bậc thang lên được chăm bón khá kỹ, cắt xén gọn gàng. Tôi bước lên đi dạo quanh vườn một vòng, nhìn lại mình thấy phong trần quá chứ không thôi đã lên thêm mấy bậc thang, vào bên trong kiếm một ly cocktail cầm trên tay rồi quay ra dựa lưng vào cây cột sáng bóng mơ màng nhìn ra biển. Tưởng tượng nhiêu đó đã đủ nổi da gà, sến như phim nhỉ.

Tôi chỉ là người khách lạ, đứng bên lề cuộc song nơi này. Thời gian chưa đủ để thấy mình trong đó.

Tiếng nhạc xập xình, văng vẳng sau lưng theo tôi rời khỏi Monaco, bỏ lại sau lưng câu nói đùa đại gia và gái đẹp. Nói nghe vui chứ thời nay đại gia và gái nhan sắc trung trung (đã là gái thì không ai xấu cả) hay điều ngược lại vẫn nhan nhản ngoài đường. Thực tế vẫn tùy duyên. 













Monday 25 July 2016

Người cho ta thờ ơ

Người cho ta thờ ơ
Người cho ta kênh đời
Mặc những hơi thở cuối cùng lìa khỏi xác

Người bắt nạt dòng suy nghĩ dở dang
Những mầm non chưa vào đời môi méo xệch
Sao mà chán
Có tương lai không
Ở đâu?

Hành lang đầy những con bệnh
Lỗi ở ta?
Chỉ nhìn qua loa rồi xoay qua giường khác
Lỗi ở ta?
"Con nghèo quá, mẹ bán đất, cha nợ người.
Nước mặn chát triền miên"
Mệt mỏi quá đôi khi thà điên
lơ thơ cười buông hết

Xin lỗi
Người đâu là thánh
Ai cho mình đúng hết, chẳng sai
Và xin lỗi
đôi tay này cũng chỉ một đôi tay
Có những ngày thức dậy trong bóng tối
rồi trở về trong bóng tối

Xin lỗi
Người cho ta thờ ơ
Mặc những giằng xéo bên này bên kia thế giới
Hơi thở cuối cùng ai nặng hơn ai

Mà thôi
Người nào phải là ta
trách chi nhữnng điều mình không thể.

Wednesday 20 July 2016

Mùa đông...cảm


Mùa đông là mùa của các loại quả chua nhiều Vit C nhiều nước, cũng là mùa 'cảm' các loại từ cảm cúm, cảm lạnh đến cảm người dưng. Gì chứ thứ cảm người dưng này chưa có thuốc ngừa hay thuốc làm giảm bệnh. Mà đố ai dám bỏ tiền ra nghiên cứu rồi sản xuất loại thuốc đặc trị này, có mà lỗ trắng tay vì đây coi như là bệnh tự nhiên như nắng như gió như nước lớn nước ròng. Chẳng ai muốn tránh, nói chi đến tiêm ngừa. Và có khuyến cáo là loại cảm có từ khởi thủy loài người này không bao giờ tự hết như cảm cúm cảm lạnh gây ra từ virus mà có khi cả đời không khỏi hẳn. Mãn tính? Cái gọi là hệ miễn nhiễm cũng vô phương. Lâu lâu tưởng hết bệnh thật nhưng có dịp nào đó bắt gặp một ánh nhìn, một câu nói hay đi qua một khúc quanh quen quen các triệu chứng bệnh lại dậy lên. Hoá ra vẫn còn âm ỉ, chỉ bị che lấp bởi thời gian và nhịp sống vội vã mỗi ngày.


Đó là nói về một góc nhỏ của mùa đông.


Còn chuyện “ta nhớ ta mơ ta miệt mài rong ruổi..” thì vẫn xảy ra, cố thực hiên đôi khi. Và biết đâu trên những con đường mình qua lại vây vào một trong những bệnh cảm trên kia, bất kể mùa nào thời tiết nào. Khi về có khi lại mang về cái cảm mãn tính như nhắc nhớ cái nơi mình đã đi qua, những gương mặt mình đã chạm và ánh mắt không thể tả bằng lời cứ lay lắc mãi.