Sunday 29 May 2016

MỘT BUỔI CHIỀU Ở GINZAN ONSEN


Hôm đó buổi sáng trời nắng đẹp, cứ tưởng ngày sẽ dài hơn những ngày trước đó. Trời đẹp thường làm con người ta thấy vui hơn, khỏe hơn ngày u ám nên tôi đã chọn leo núi. Không phải một mà là leo hai lần trong một ngày, buổi sáng leo nghìn mấy bậc thang lên Yamadera và buổi chiều leo bằng..bus lên Ginzan Onsen. Cả hai đều đẹp, mặc dù nét đẹp khác nhau hoàn toàn nhưng để lại ấn tượng ngang ngửa. Tôi ở Yamagata nên đi đến hai điểm này không xa. Nói về Ginzan Onsen trước nhé.    
  
Bước ra khỏi ga Oishida đã hơn ba giờ chiều. Trời đang đẹp tự dưng bắt đầu chuyển màu, mưa lâm râm. Hôm đó Chủ Nhật. Ga nhỏ, vắng tanh. Vài chiếc taxi đậu phía trước, tài xế có người đang ngồi trong xe lim dim, người đứng dựa thành xe phì phà thuốc. Bãi đậu xe cũng vài ba chiếc. Đảo một vòng tôi quay lại trạm xe bus, may vừa lúc đó có chiếc xe bus trờ tới. “Ginzan Onsen? Ok”. Tôi thường ít nói và chỉ nói những câu ngắn (tự cho là vậy chứ đọc các thứ tôi viết tôi chắc bạn không tin). Đến Nhật tôi lại có cơ hội nói những câu cực ngắn. Mà có hề gì, đôi bên hiểu nhau mới là quan trọng.

Thế là lên xe. 710yen một chặng. Phải nói chưa từng thấy chiếc xe bus nào cổ mà đơn sơ như chiếc này. Không diễn tả được, nó nằm đâu đó giữa xe van và xe lam bên mình. Xe cũ ghế cũ đường quê, cứ tưởng mình đang cỡi ngựa. Chúng tôi hai người thêm bác tài nữa là ba, tôi nghĩ nếu xe đông khách chắc sẽ êm hơn. Xe hì hụi lên dốc, cảnh hai bên đường không mấy đẹp, ít nhà cửa. Lâu lâu lại thấy vài cụm tuyết bên đường, chỉ lóm đóm trắng vì đất cát bám đầy. Đoạn đường không xa, vắng xe nhưng phải mất hơn nửa tiếng mới đến nơi. Ginzan onsen bus stop nằm trên dốc cao, phải đi mất 5-7 phút mới đến khu phố chính.
Gọi là khu phố nhưng thật ra chỉ có một con đường. Lọt giữa hỏm núi. Dòng nước ở giữa, khói bốc lên lờ mờ, hai dãy nhà gỗ hai bên, những chiếc cầu nối. Đẹp và ấn tượng. Đến cái toilet ở cuối phố cũng để lại ấn tượng tốt vì quá sạch mặc dù ngoài đường ướt, có đoạn lầy lội. Chẳng trách nhiều người nói đây là một trong những khu suối nước nóng đẹp nhât Nhật.

Nơi này khi xưa là mỏ bạc, không biết đã ngừng khai thác từ khi nào. Bắt đầu con phố có một phòng nhỏ là information centre, map được vẽ bằng tay. Hình như có hai nhà tắm công cộng, vài quán ăn, quán cà phê, tiệm bán quà lưu niệm và nhiều nhất là ryokan. Vui là ở giữa phố có một cái nhà nhỏ để nghỉ chân, và trốn lạnh, bên trong có hai máy tự động một bán cà phê và một bán nước, hai dãy ghế hai cái bàn nhỏ. Tôi đã ngồi trong đấy một lúc lâu sau khi ngâm chân và uống hết lon cà phê. Vách làm bằng kiếng nên vừa xoa tay vừa nhìn người qua lại, dễ thương nhất là mấy bạn mặc yakuta, che dù khi mưa. Cuối phố có một thác nước, không cao lắm những cũng chảy ổn ào và phía sau đó là một cây cầu ngắn màu đỏ. Mùa thu chắc nơi này cũng lắm màu sắc.

Đã lặn lội đến đây mà không tắm, không ngâm mình cho đã đời kể cũng lạ. Nói thật, tôi ghê. Không chỉ ở đây mà các nơi khác đã qua cũng không dám tắm, ai nói mình quê mình chịu. Vì đã ngâm chân mấy nơi thấy chỗ nào cũng rêu xanh, sướng thì có sướng, lại ấm nhưng cứ nghĩ không biết  nước tắm bao lâu họ xử lý và xử lý bằng cách nào lại thôi. Nhỏ lớn cũng không dám tắm hồ bơi. Đây là  căn bệnh mãn tính rồi mọi người ơi.

Vì vậy nên chỉ đi lòng vòng phố. Lạnh tê, lâu lâu lại ghé vào một căn tiệm nào đó cho ấm. 6:20pm là chuyến xe bus cuối cùng về ga Oishida. Tôi trở ra trạm xe trước đó chừng 10 phút. Trên đường ra nghe có hai bạn trẻ người Nhật đi phía sau. Cứ tưởng họ cũng đón bus về nên mừng khấp khởi vì xe sẽ êm hơn, ấm hơn. Ai dè khi tụi tôi đứng chờ tôi xoa tay đi tới đi lui cho bớt lạnh thì hai bạn kia lướt qua trong chiếc Audi TT. Xe bus lại đến trễ 15 phút. Cứ lo phải trở xuống dốc để qua đêm. Cảnh có đẹp, ngày có vui nhưng nhiều lúc ước chi mình đang ở nhà. Có khi nào đang lang thang đâu đó mà bạn có cảm giác như tôi?



Friday 27 May 2016

PHỐ VẮNG BÊN SÔNG





Những ngôi nhà cũ tường phai cửa úa
Như lạc loài chùm hoa đỏ bên song
Phố vắng mây giăng có ai nhìn ngắm
Hay lãng quên hay người đã qua sông?

Cách một chiếc cầu lòng chùn đến lạ
Kia vó ngựa đêm ngày phố xôn xao
Còn đây ngày cũng như đêm buồn lắm
Một màu thâm trầm tiếng bước nghe vang

Đây tưởng niệm ngày xưa người xưa ấy
Những ngày tối tăm biệt lập phân chia
Đã đi về đâu còn ai ai mất
đồ đạc dưới chân một ghế một thân

Đã biết bao người bao nỗi niềm riêng
Đã bao nước mắt bao lần ly biệt
Vết cắt bao năm chắc đã liền da
Còn chút thẹo thời gian phôi pha hết

Dĩ vãng kia như đường hầm tối bệt
Cuối con đường vệt sáng hiện ra kia
Không rực rỡ không ồn ào chỉ thế
Ngày lại ngày trôi qua cũng qua rồi..

--bcc--

Và trong tôi Krakow chỉ lưu lại bấy nhiêu.
Một quãng trường hoành tráng, nhộn nhịp, người ngựa ngày cũng như đêm ít khi yên giấc.
Một dòng sông, một khóm lâu đài thoáng đãng mà uy nghi
Một phố khác phôi phai trong lãng quên của thời đại, hay màu úa được lưu lại để tưởng niệm khoảng thời gian không dài lắm mà hằn bao vết cắt.

Thursday 26 May 2016

TAKAMATSU-Sanuki udon, gondolier và máy ảnh






Đi về nhiều người cứ hỏi Takamatsu ở hướng nào, có gì vui? Tôi chỉ bâng quơ vui thì chẳng có gì vui, nghe tên lạ nên ghé qua cho biết vậy mà cuối cùng lại là một ngày khó quên.

Takamatsu là một ngả rẽ khác trong chuyến đi này. Không hẹn trước. Hôm ở Hiroshima cứ ngó tới ngó lui, ban đầu tính đi hướng Nam xuống Fukuoka rồi Kumamoto, gần cuối tháng Ba hoa đang nở. Rồi tình cờ nhìn thấy hình bãi biển ở Kochi cát trắng mịn. Sáng hôm đó lại ngủ quên, cuối cùng điểm dừng là Takamatsu. Cho nên mới nói, có học bài làm bài tính kỹ trước ở nhà thì cuối cùng cũng tùy duyên, tùy cơ ứng biến.

Tại sao lại là ngày đáng nhớ?

Đoạn đường từ ga Okayama đến ga Takamatsu đẹp quá. Nếu đoạn đường giữa Takayama và Toyama đẹp với những ngôi nhà nhỏ chìm lờ mờ trong mây, với núi với sông với những cây cầu đỏ thì đoạn này là cánh đồng, rồi lại thêm nhiều cánh đồng, rồi biển, đảo, tàu và cảm giác lơ lửng giữa nước và mây.

Đầu tiên là băng qua cây cầu dài thiệt dài, xe lửa chạy qua bốn năm cái đảo gì đó. Seto Ohashi bridge, 13km, cây cầu hai tầng dài nhất thế giới nối hai đảo Honshu và Shikoku. Tầng trên dành cho xe hơi và tầng dưới cho xe lửa. Vì cầu quá dài nên nếu có sự cố gì xảy ra để vào được bờ chắc tốn rất nhiều thời gian, lo vậy thôi. Nói đến đây lại nhớ về một cây cầu khác cũng băng qua biển bên hướng Bắc Âu nối giữa Malmo và Copenhagen, Oresund Bridge. Dù hôm đó là một ngày tháng Ba, trời mây âm u, xuân lành lạnh mà lại giống cái lạnh của ngày nắng cuối hè mấy năm trước mới lạ.

Tôi gọi ga Takamatsu là “ga vui vẻ”. Rộng, thoáng và hiện đại. Từ hướng ngoài nhìn vào đã thấy cái mặt cười và hàng chữ to, “Shikoku smile station”.

Từ ga đi thẳng một chút là đến Takamatsu Castle, nằm sát bến cảng. Cũng có khu vườn rộng bao quanh, chung quanh ngôi thành cổ nước đã khô từ đời nào, lóm đóm cỏ. Nhưng đặc biệt là phong cảnh xung quanh nhìn từ trên cao xuống, nào cây cỏ, nào người ta,nào bến cảng rộng thênh với nhiều chiếc tàu ở xa xa. Khen theo ngôn ngữ hàng ngày là đẹp lạ, không đụng hang.
Kế đến là món sanuki udon. Bây giờ nhớ lại hình như đã đọc thấy món mì này ở đâu đó trước khi biết đến Takamatsu, tỉnh Kagawa. Sanuki là tên xưa kia của tỉnh Kagawa. Và loại lúa mì để làm ra món này cũng từng được trồng tại đây, thời gian sau này phần lớn lúa mì lại được nhập từ Úc (theo internet và mấy cô thợ trong quán).
Quán mì hôm đó tôi ghé nằm trong khu shop ngay trung tâm, họ bán theo kiểu self-serve, chọn tô, chọn mì, chọn nước soup và các món ăn kèm. Khách ăn đông kinh khủng, chủ yếu là nhân viên văn phòng và người ở quanh đây. Tôi nói vậy là vì nhìn cách họ bước vào, cách họ chọn các thứ và làm xong tô mì rất gọn, chào hỏi mấy cô nhân viên trong khi tôi vừa bước, vừa hỏi vừa ngần ngừ chọn thứ này thứ kia. Mì được làm tại chỗ, sợi to, dai, nước không đậm đà lắm nhưng thanh, đủ ấm đủ no cho buổi xế lành lạnh. No bụng rồi tôi lại nghĩ ngon là ngon trên đất Nhật chứ nói thật phở với hủ tiếu của mình vẫn đậm đà hơn, nhất là với thịt tươi rau cải tươi, với cả mùi vị. Chỉ là ý kiến cá nhân tôi.
Thời gian còn lại cuối ngày mới là đáng nhớ nhất. Đến Takamatsu  không thể không ghé vườn Ritsurin. Nghe nói nằm trong list các khu vườn đẹp xứ này. Lúc tôi đón xe từ ga Takamatsu cũng đã là 3 giờ chiều. Chưa đầy 20 phút đã có mặt trước cổng vườn. Vừa định cầm máy lên chụp cái cổng thì tay huơ qua mà không thấy cái máy đâu. Thôi chết. Chắc đã bỏ quên ở tiệm mì, ăn no rồi lơ mơ bỏ quên trên bàn? Nhớ là có xách qua cổng khi đưa pass cho anh nhân viên soát vé. Thôi chắc bỏ quên trên xe vừa rồi. Xưa giờ đi chưa từng lơ đểnh kiểu này, nên đổ thừa cho cái đoạn băng qua biển quá dài quá đẹp kia hay là tô mì sanuki?
Tôi vội vã trở lại ga Ritsurinkoen đón xe về lại Takamatsu. Tiến thẳng đến cửa sổ Lost and Found giải bày sự việc. Tôi nói chừng mười câu anh kia trả lời có mấy chữ “Your camera? Lost?” Anh ta lấy điện thoại bấm lia lịa, sau đó đưa tôi xem. Trò chuyện trong điện thoại một lúc tôi nói đã lên chuyến xe nào, máy ảnh nhìn ra sao..anh ta hiểu được vấn đề liền đi gọi điện cho bác tài lái xe lúc nãy. Bác kia chắc đang vẫn lái xe nên không trả lời. Đợi.
Trong lúc đợi để cho chắc ăn tôi chạy lại tourist information nhờ họ gọi lại quán mì. Cũng may trong mớ hình tôi chụp trên điện thoại có cái tên quán. Quán đóng cửa 3:30pm, lúc đó đã 3:45 nhưng may là còn người ở đó trả lời máy. Không có.
Đợi thêm 15 phút nữa thì bác tài gọi lại khu Lost and Found nói là đã tìm thấy máy ảnh của tôi. Vẫn còn ở trên ghế. Anh đẹp trai kêu tôi để lại tên họ rồi một tiếng rưỡi sau trở lại lấy máy. Bất kể ở nhà hay đi nước ngoài tôi thấy một khi món đồ bị mất đi thì khả năng tìm lại được luôn là 0%, cộng thêm ảnh hưởng tâm lý luôn là thành số âm. Không giống nhưng cũng tương tự như chuyện đóng thuế, dẫu có khấu trừ thì số tiền đã đóng cho sở thuế mình coi như mất rồi. Nếu cuối năm khai thuế có lấy lại được gì thì đó là bonus, bằng không cũng chẳng hề gì vì mình đã biết trước. Tôi đã từng bị rạch giỏ, mất bóp ở Bangkok một lần. Họ tìm thấy cái bóp trống không trong thùng rác ở một phố khác. Dù sao cũng còn vớt vát, vẫn còn giữ cái bóp đến giờ. Lần này cả giỏ cả máy ảnh còn nguyên, đúng là tôi may mắn thật. A big bonus.
Thời gian một tiếng rưỡi thay vì ngồi chờ tôi đã đón xe trở lại Ritsurinkoen. Vẫn còn điện thoại có thể chụp hình. Vẫn còn tâm trạng để tận hưởng cái êm đềm của nơi này. Nếu không tìm được máy chắc tôi đã đón xe về tuốt Hiroshima chứ không quay lại đây, thiếu chút đã bỏ lỡ một khu vườn đẹp.
Trời nhiều mây. Cũng gần giờ đóng cửa nên ít khách tham qua. Hoa chưa nở nhiều. Tôi chỉ đi được một vòng hồ, qua hai cây cầu. Một nhóm dương sỉ, những cây bên bờ hồ và trên khu đất giữa hồ được cắt tỉa gọn gàng. Khi hoa nở đều, ngày nắng đây sẽ là chốn nghỉ ngơi lý tưởng. Một chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ qua, êm ru. Một chèo một khách. Tôi ngẩn ngơ, nhìn theo và nghĩ không biết anh chàng chèo thuyền kia rồi sẽ cất tiếng ca cao vút như mấy anh gondolier ở Venice hay chỉ im lặng cho đúng kiểu Nhật? Mà cần chi hát, bật lên tiếng đàn cô tô thôi cũng đủ. Vậy mà yên lặng bốn bề. Trời bắt đầu có sương. Thôi quay về.




Tuesday 24 May 2016

Nghỉ chân


Con đường không ngắn cũng không quá dài
Đủ thời gian cho người ta dừng bước
Quay lưng nhìn những dấu chân in ngược
Tự hỏi lòng sao không thẳng mà cong

Nếu trở về biết ai còn chờ mong
Con dốc kia có giữ thu ở lại...

Thursday 19 May 2016

WHAT IF IT COMES TRUE?


What if you stay
What if we say nothing
What if the reflection in your eyes is unshattered...
Like our beginning

What if leaves fall in spring
I saw it in my dreams. Once

What if it chills in summer
I felt it. Twice

What if cherry trees blossom in autumn
I couldn't imagine it

What if cherry trees are dying to blossom in winter
And we are in bikinis sun bathing on a wild beach
That was our dream
That's still my dream
What if it comes true
We will hang our wounds on a half-moon night..

------
NẾU NHƯ NHỮNG ĐIỀU KIA CÓ THẬT

Nếu như tình ở lại
Nếu như cả hai chẳng nói lời nào
Nếu như trong đáy mắt nhau không ánh lên những lời tình cạn
Mà vẹn nguyên như lúc ban sơ

Nếu như lá chợt rũ vàng khi vẫn đang xuân
Em từng thấy một lần trong mơ năm ấy

Nếu như bất chợt co ro giữa trưa hè tháng Bảy
Từng một lần rồi hai lần em choàng áo đượm mồ hôi

Nếu như những cây đào khơi nụ giữa mùa thu
Em không tưởng làm sao mà có thể


Nếu như những cây đào thôi không chờ xuân nữa
Mà nứt mình rạng rỡ giữa đông
Và hai ta
Thả rong phơi mình trên bãi biển hoang sơ nào đó
Ta đã từng mơ
Em vẫn mơ
Nếu như một ngày những điều kia có thật
Chúng mình buộc những vết thương vào nhau
Gá hờ đêm trăng khuyết

*(một bài thơ cũ, tự viết tự dịch. Lâu lâu đọc lại vẫn toàn những điều không thể)*


Saturday 14 May 2016

MALMO



Đang xem Eurovision lại nhớ về Malmo. Một thành phố không nhỏ cũng không lớn, nơi đã tổ chức Eurovison năm 2013. Tôi cũng ghé qua đây năm 2013, chỉ vì một thứ đó là Cacao-Porter Beer, Criollo.


Một đoạn đã viết về Malmo
"Sau khi từ Aarhus trở về Copenhagen, mình dành một ngày để đi Malmo.

Trước tiên xin được nói một chút về thành phố dễ thương này. Bạn nào có coi Eurovision chắc cũng nhớ cuộc thi năm 2013 đã được tổ chức tại Malmo. Đó là lần đầu tiên mình nghe và biết tới thành phố này. Và nhờ 1 cô tourguide ở Copenhagen (cô này hướng dẫn Free Walking tour) giới thiệu thêm về 1 loại bia chỉ có ở Malmo góp phần hăm hở cho chuyến đi.

Malmo là thành phố lớn thứ 3 của Thụy Điển, nằm ở mũi phía Nam thuộc tỉnh Scania. Trước thế kỷ thứ 17, cả vùng Scania là một phần của Đan Mạch và  Malmo là thành phố lớn mạnh thứ nhì vào thời đó. Sau nhiều năm chiến tranh giữa các nước Scandinavia, vào năm 1658 Thụy Điển đã giành được tỉnh Scania về phần mình. Nơi này từng là thành phố phát triển nhất trong vùng Bắc Âu nhưng thời vàng kim đó không kéo dài bao lâu. Cũng nơi đây từng bị lãng quên, từng bị ảnh hưởng về khủng hoảng kinh tế nặng nhất, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong vùng cho đên khi chiếc cầu nối với Copenhagen được xây xong năm 2000. Oresund Bridge dài 8km, nhờ đường nối này mà kinh tế Malmo được vực dậy sau thời gian ngủ quên quá dài và đây cũng là đường nối của các nước Bắc Âu với lục địa chính của Châu Âu ở phí Nam.

Malmo cũng là một thành phố “trẻ” với gần 50% dân số ở đây dưới 35 tuổi. Trước đây thì không biết sao chứ từ khi Malmo University được thành lập năm 1998 thì số người trẻ ở đây càng ngày càng tăng. Và thành phố này cũng là nơi có nhiều di dân nhất trên đất Thụy Điển, trên 40% người dân không được sinh ra tại đây. Không biết có phải vì thế mà các tệ nạn xã hội ở đây cũng cao hơn những nơi khác.

Ngồi xe có 25 phút mà thấy bao nhiêu lượt cảnh sát dắt chó đi lên đi xuống các toa tàu. Mình chứng kiến một cô gái trẻ bị hỏi cũng ngay khi vừa trong toilet bước ra. Không biết trùng hợp hay cố ý mà khi hai anh cảnh sát với 1 chú chó to đi tới cũng là lúc cô vào toilet. Họ liền gõ cửa ầm ĩ, cô gái bước ra họ liền vào trong khám và sau đó xét hỏi cũng lâu lâu.

Từ Copenhagen qua mình xuống ga Triangeln station, là một ga mới dưới lòng đất ngay trung tâm thành phố. Đi thêm vài ga nữa sẽ tới Malmo Central station. Triangeln coi như bắt đầu vào phố, đi tham quan các nơi đến Central station coi như là cuối phố.

Cũng nhờ bạn tourguide ở Copenhagen mà mình mới biết ở Malmo có một đặc sản gọi là Cacao-Porter beer (Criollo). Như tên gọi, đây là một loại bia đen, đậm đà, thuộc loại mạnh 8%alc và khi uống vào mùi cacao cứ thoang thoảng. Loại beer này được ủ và bán ngay tại nơi sản xuất gọi là Malmo Brygghus. Đây là một building cổ có nhiều tầng, và thật ra nơi này trước kia đã từng làm bia dưới tên gọi Richter’s Brewery, từ năm 1898. Trên các bức tường vẫn còn trưng bày nhiều hình ảnh và lịch sử của nơi này. Ngày xưa chỉ sản xuất bia nhưng từ năm 2010, khi đổi tên mới họ cũng đổi cách kinh doanh, bây giờ vừa là brewery vừa là pub. Ở đây lúc nào cũng có nhiều loại bia tươi như Pale ale, Pilsner, Wit và đặc biệt là Cacao beer. Mình không rành lắm về bia nhưng trong lúc ngồi trong quán thấy phần lớn khách hàng vào ai cũng mua ít mua ít nhất vài ly khác nhau để nếm thử.

Về giá cả thì hơi đắt so với các nơi khác ở Malmo (nghe nói vậy) nhưng có lẽ vì nơi đây tự làm tự bán nơi có hơi đặc biệt. Và nhất là họ không sản xuất nhiều bia (gọi là micro brewery) như các loại bia thị trường nên chất lượng hơn??? Chắc là tùy gu của mỗi người. Còn về đồ ăn giá cũng đắc nhưng không ngon lắm, chỉ tầm chất lượng của pub thôi.

Ý tưởng làm bia có mùi vị cacao một phần cũng vì Brygghus nằm sát vách  với nơi sản xuất chocolate duy nhất ở Malmo. Hình như là cùng 1 chủ, trong cùng một building. Hãng chocolate cũng cổ lắm rồi, và bây giờ họ chỉ làm ra một ít để bán tại đây."






Đăng đắng, đậm mùi chocolate mà say. Như một buổi chiều tháng Mười đầy gió ở Malmo.          






Wednesday 11 May 2016

MỘT VÀI NÉT TÂY ÂU Ở KOBE

Hai thứ mà người ta hay nói về Kobe đó là thịt bò và trận động đất năm 1995.

Thịt bò thì khỏi phải bàn rồi, bao nhiêu chuyện quanh giống bò đen wagyu này, từ cách nuôi cách làm thịt cách ăn…Thật có, thêu dệt cũng có. Gì chứ chuyện bò được nghe nhạc cổ điển và uống rượu sake hay beer là không có thật. So với bò Úc, bò Kobe khác hoàn toàn. Loại bò này ăn ít ít còn thấy ngon để lần sau ghé lại,  ăn nhiều mau ngán, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bò Kobe nổi tiếng thế giới, người nước ngoài ưa chuộng nhưng người Nhật vẫn chấm điểm cao hơn cho bò Yonezawa.  Có lẽ vì thế mà ngay ga Yonezawa họ đặt tượng một chú bò đen to đùng để chào đón bạn.

Còn về trận động đất năm 1995 ở Kobe đã lấy đi quá nhiều mạng người và thiệt hại về vật chất cũng nhiều nhất ở vùng này từ xưa đến nay.  Họ dành một khoảng rộng ở ngay bến cảng làm khu tưởng niệm, cũng như một bảo tàng mở với nhiều thông tin, hình ảnh về trận động đất kinh hoàng này. Tôi ở ngay khu phố Tàu Motomachi nên buổi tối thả bộ ra bến cảng, gió mát mà chẳng có trăng, vắng người.

Kobe là thành phố cảng nhộn nhịp từ xưa nay nên đây là một trong số ít các nơi trên đất Nhật mà nét đa văn hóa hiện lên khá rõ. Từ con người, cảnh vật đến kiến trúc. Phố Tàu rộng, nhiều cổng vào từ các con đường lớn. Phố Tây, ngoài khu Kitano-cho ở chân núi Rokko là khu Tây khi xưa thì trên đường phố thường hay bắt gặp một vài nét nhắc nhớ đến Châu Âu.

Có thể là một quán pizza nhỏ nhỏ phía trước có cái lò bằng gạch với củi thô.
Có thể là một chóp nhà thờ, không cao lắm nhưng đủ để người ta nhìn thấy góc thánh giá từ xa.
Có thể là vài bậc thang rất dốc trong hẻm nhỏ. Những bờ tường gạch đỏ, cái cổng vào cong cong. Một vài chậu hoa trên bệ cửa.

Hay chỉ cần một bảng hiệu “Brugge” đã gợi lại bao nhiêu hồi ức.







8:45 tối một ngày khác. Ngồi trên bậc thềm trước Notre Dame Kobe xem nhạc nước. Cảm giác không quen. Tôi không rành về nhạc nhưng hôm đó khi nhắm mắt lại cứ tưởng mình đang ở đâu đó trong “Troy”. Khi hai đối thủ đang cầm kiếm sẵn sàng nhắm thẳng tim đối phương, đằng sau họ là biển quân đang chực xông vào.