Tuesday 21 March 2017

Ăn đồ Nhật



Hôm qua đi ăn đồ Nhật làm tôi nhớ lại những ngày ở bên đó. Và nhớ mình đã quên viết vài dòng về những điều là lạ có liên quan tới cái ăn của xứ này.

Xưa giờ người Việt mình vẫn quen câu nói “ở nhà Tây, ăn đồ Tàu, cưới vợ Nhật” nhưng qua thế kỷ 21 rồi vế giữa có phần bớt thịnh hành thì phải. Thời nay thông tin về việc ăn uống điều độ ít dầu ít mỡ, nhiều rau quả, đi gym, yoga…tràn lan từ đâu tới đâu nên con người ta có ý thức hơn về việc ăn uống so với mười lăm hai mươi năm trước. Món Tàu có ngon có bổ đó nhưng ai cũng biết họ luôn xài nhiều dầu mỡ. Những năm gần đây món Nhật, món Việt hay món Hàn càng ngày càng được nhiều người ưa thích có lẽ một phần vì được cho là nhiều dinh dưỡng, tự nhiên như rong biển, đồ tươi sống, ít mỡ…Bằng chứng là số người cao tuổi nhất trên thế giới phần đông sống ở Nhật đó thôi. Còn chuyện họ săn bắt cá voi và cá thu nhiều đến nỗi các tổ chức “xanh” phải báo động  và chuyện tỉ lệ tự tử khá cao ở Nhật thì thôi, tôi không dám bàn tới.

Qua Nhật mới thấy vài điều lạ về cái ăn. Đồng ý là mỗi nước mỗi miền có sắc thái riêng về mọi mặt kể cả chuyện ăn uống nhưng để tận mắt chứng kiến cũng khiến mình ngỡ ngàng.

Nhiều lắm nhưng xin kể ra vài điều, mai mốt có thời gian lại kể tiếp.

Đầu tiên là chuyện mở cửa đóng cửa quán ăn. Những nơi đông khách du lịch và các quán ăn theo dạng ăn nhanh (fast-food) cả Tây lẫn Nhật thì vẫn đèn đuốc sáng choang, chớp chớp cũng nhiều. Nhưng các nhà hàng/quán truyền thống (traditional) Nhật thì dù mở cửa hay đóng cửa nhìn không phân biệt được. Có thể chỉ mình tôi thấy vậy vì vốn chữ Nhật chỉ bằng ba, cám ơn và đếm một hai. Bên ngoài cửa đóng im ỉm, treo hai miếng vải phất phơ trên đó có chữ màu đen, đoán là tên quán. Nhiều khi hai miếng vải được thay bằng thanh gỗ nhỏ khiêm tốn đính vào một góc, nếu đi nhanh chắc chắc sẽ trợt qua. Cứ phải sờ tay vào kéo cửa khắc biết quán hôm nay mở cửa hay đóng.

Sau cánh cửa đầu tiên là chỗ để giày, để dù hay chỉ là khoảng trống. Bước vào cánh cửa thứ hai bạn mới vào trong quán. Có khi bên trong là không gian mở với bàn ghế san sát nhau như những quán bình thường quen thuộc. Có khi bên trong thêm một lần cửa thứ ba vì mỗi bàn được ngăn thành một căn phòng riêng. Tôi ăn ở một quán được trang trí kiểu này ở Toyama. Bạn nghe tiếng nói tiếng hát ở bàn bên cạnh nhưng không thấy mặt họ. Riêng tư vừa đủ. Nhân viên phục vụ cũng nói rất nhẹ nhàng (hiểu nhau hay không lại là chuyện khác), trước khi bước vào phòng luôn gõ cửa. Order đồ ăn cũng qua màn hình máy tính trong phòng nên không có chuyện chạy loạn í ới. Có ăn đổ tháo bừa bãi cũng mình mình biết thôi.

Về cách bày trí trên bàn ăn và cách phục vụ ở Nhật tôi chắc nhiều người cũng đồng ý là khỏi chê. Từ một quán mì đứng, một tiệm bánh nhỏ bên đường, một quầy nhỏ trong chợ.. bạn không bao giờ được phục vụ cái kiểu đem đôi đũa ra đặt cái cạch trước mặt, thảy chén đồ ăn làm giật cả mình, dằn chén nước chấm làm tròng trành rớt ra mấy giọt. Nói thật đến Nhật rồi tôi mới thấy sự kiên nhẫn trong cách giao tiếp, phục vụ của họ. Ngôn ngữ bất đồng gây trở ngại một phần thì đi đến nước nào cũng gặp, cách để vượt qua để hiểu nhau mỗi nơi lại khác. Nhất là vào quán ăn, vừa bước vào hỏi còn bàn trống cho một/hai người không đã bắt đầu thấy sự bối rối trên gương mặt họ. Sau đó là chuyện order, uống gì, ăn gì phải trao đổi qua màn hình nhờ anh google translate thường xuyên. Nhăn trán gãi đầu mà vẫn tươi cười. Khó qúa nhiều khi anh này lại quay ra kêu một anh phục vụ rành tiếng Anh hơn vào.

Đôi khi cảm giác hồi hộp chờ xem món ăn được đem ra có giống như món mình chọn hay tưởng tượng không cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Có khi bị giật mình nhưng may là chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra, ý là ăn được tất. Chắc do tôi dễ nuôi từ nhỏ. Hay là đắt quá không dám bỏ. Nói đùa chứ chưa gặp món nào tệ đến nỗi bỏ lại.

Còn cách gói ghém và trưng bày thì cũng thuộc hàng tỉ mỉ chưa từng thấy qua, nhất là đồ ngọt. Có khi bóc ba bốn lớp đói run cả tay. Tôi nghĩ đồ ăn bánh trái của họ đắt vì một phần trong đó là phí “trang điểm”, đôi khi cầu kỳ quá đáng. Có lần tôi mua một phần cơm đem theo lên xe lửa ăn mà phải mất hơn mười phút mới mở ra được. Bốn cái nẹp tre buộc dây cẩn thận bên ngoài hai cái đĩa tre tròn chức cơm bên trong. Sau khi tháo dây, tháo nẹp mở ra thì bên trong có thêm lớp lá xếp vòng quanh miếng cơm đều trang. Và trên mặt cơm là từng miếng cá được xếp ngay hàng thẳng lối. Thắc mắc thời gian họ gói một hộp cơm như vậy lâu gấp mấy lần thời gian tôi mở ra.

Một thí dụ khác là bánh ngọt trong các siêu thị hay các quầy ở ga. Phần nhiều từng cái bánh được gói riêng, sau đó được gói chung vào một cái bao khác rồi đặt vào chiếc hộp xinh xắn đã được lót một lớp giấy hoa bên dưới. Bao nhiêu công nên nhiều khi nhìn hộp bánh rồi nhìn bảng giá bên cạnh muốn bật ngửa. Bởi vậy vào siêu thị nhìn cho đã mắt rồi sau đó tôi qua con phố nhỏ bên cạnh hay tình cờ trên đường thấy cái tiệm người ta rồng rắn xếp hàng lại sà vào, thấy bánh cũng y vậy lại vừa ra lò. Giá cả đôi khi chênh nhiều đôi khi chỉ tí đỉnh nhưng ăn cái bánh từ bao giấy mà dầu với đường thấm ra cả tay lại thấy ngon và khỏi phải tiếc hùi hụi cái công cắt gói trang điểm.
Có lẽ do mình lớn lên từ những nơi như vậy, chưa quen mà chưa biết khi nào mới quen kiểu “fine dining” ăn đẹp mà chẳng no.
Có những món mà đến nơi nhất định phải ăn thử vì chỉ được bán ở nơi đó. Như món bánh cracker, giòn thơm bùi bùi được làm từ horse chesnut chỉ có ở Takayama. Như cheese tart Pablo ở Namba, món này cũng ngon đặc biệt, chớ bỏ qua.
Và nếu sữa có thể để lên mốc trắng mốc xanh thành các loại cheese khác nhau thì bây giờ đến lượt thịt. Đã từng xem một phim tài liệu của Anh về cách họ để thịt lên mốc ở một nhiệt độ, thời gian, đột ẩm nhất định để cho ra mùi vị khác lạ mà ăn vào vẫn an toàn. Chính mắt nhìn thấy ở Osaka mới tin. Dĩ nhiên phải cắt bỏ phần mốc rồi trước rồi đem chế biến. Chưa thử qua, chưa dám mạo hiểm.
Lòng vòng chuyện lấp đầy bao tử, chắc nói đến mốt chưa hết. Thôi tạm chốt lại “ở nhà Tây, ăn đồ tươi bổ khỏe, cưới ai tùy…duyên” .