Thursday 28 January 2016

Nhớ Nice

Một đoạn ngắn viết từ năm trước khi đang ngồi nhớ xứ Tây

"Tự nhiên nhớ đến Nice với bầu trời xanh không gợn chút đục nào, nếu nhìn sơ khó mà phân biệt đâu là lằn ranh mây nước. Một phần chắc do mắt mờ, tăng độ như đang chạy nước rút.

Ở Nice, bãi cát không mịn,nước rất trong, nhiều sỏi to nên đi đau chân có khi muốn hét lên vậy mà vẫn nhớ.

Nhớ nơi này vì cả ngày nay nghe tin tức về Mecca, về The Hajj về hàng triệu tín đồ và những bước dẫm đạp lên nhau dẫn đến bao nhiêu người mất mạng. Cô bạn người Egypt nói những bước chân này không... dừng lại được, không ai có lỗi cả vì họ phải tiếp tục bước tới và bước tới.

Và nhớ về Nice là vì mấy tháng trước đọc tin tức thấy ông vua của Saudi Arabia khi đến đây đã "khóa" cả bãi biển dài mấy cây số. Không nhớ rõ là ông thăm Nice trong bao lâu nhưng nghe đâu dân địa phương và khách du lịch phẫn nộ ghê lắm. Du lịch đến thành phố đầy hơi hướng Địa Trung Hải này mà bị cấm xuống biển đụng nước, cấm nằm dài phơi nắng lấy Vit D và lấy chút mầm ung thư da thì coi như thất nghiệp. Giận là phải.

Đúng là Mecca và Nice không có bà con, chẳng có chút gì liên quan nhưng có chút lòng thòng dây nhợ nên lục lại xem lại mớ hình. Nhớ buổi chiều leo lên quả đồi kia tính chờ mặt trời lặn mà cứ lo nhiều chuyện nên khi nhìn lại trời tối đâu mất. Nhớ những chuyến xe muộn nhốn nháo khi về đến nhà trọ đã gần nửa đêm mà cái vòi nước chết tiệt lại gây sự, tắm ra bực quá quên cả buồn ngủ. Những ngày quá ngắn mà nhớ dài dài. ''





 

Wednesday 27 January 2016

Chiều nay cơn gió sang ngang
Chiều nay mưa khóc lỡ làng mùa ơi
Chiều nay nắng đã quên phơi
Hoàng hôn ướt sũng hạt vơi hạt buồn...

Monday 18 January 2016

Khóa tình yêu


 Hôm qua đi ngang cây cầu ở Southbank, Melb. thấy lác đác mấy cái khóa đủ màu liền nhớ tới chuyện mấy tháng trước. Nghe đâu đống khóa ở Melb đã được nấu để recycled, còn bên Paris hông biết sao.


“..Và tình hình là những cái khóa tình yêu này gần đây người ta phát hiệt là nguyên nhân làm nhiều cây cầu bị oằn đi. Có thể sập trong tương lai, mà chắc là tương lai xa. Nghe cứ như đùa nhưng nghe đâu nhiều nơi đã bị cấm, và họ khuyên nên thay bằng hình ảnh sẽ sinh động, nhẹ nhàng hơn. Chuyện gì cấm được chứ chuyện này hơi khó à nha..”

Lúc trước mình viết đoạn trên khi nghe loáng thoáng chuyện nhiều cây cầu bị mấy cái khóa yêu đàn áp quá sức chịu đựng. Cứ tưởng là còn xa xa vậy mà trong vòng có vài tuần mà tổng cộng bảy tám trăm nghìn chiếc khóa tình yêu trên hai cây cầu nổi tiếng bị ‘thủ tiêu’, một ở xứ Tây bắt qua dòng sông Seine và một ở xứ chuột túi bắt qua dòng sông Yarra, Melbourne. Những chiếc khóa đủ màu đủ kiểu khi được mắc vào thành cầu nhẹ nhàng ngọt ngào bấy nhiêu thì bây giờ bị xử lý một cách quá ư là bạo lực như ý kiến của nhiều người. Số phận của những cái khóa này chưa biết về đâu, có thể được tái chế, được đấu giá hay được lưu giữ trong bảo tàng cũng không chừng.


Mà cầu xây lên để nối liền hai bờ sông cho việc giao lưu giữa hai bên dễ dàng hơn chứ đâu phải để gắn khóa kỷ niệm đâu nè? Phải gồng mình đeo hơn 4-5 tấn trong một thời gian đâu phải là chuyện dễ, không những vậy mà còn dòng người nườm nượp qua lại mỗi ngày. Chịu gì nổi. Lỡ một ngày mấy cây cầu oằn mình gãy cái rụp hay rơi rớt một phần thì người trên cầu hay đúng lúc tàu chạy ngang hậu quả không lường được.

 Mỗi cái khóa chứa đựng một câu chuyện khác nhau. Chắc chắn mỗi khóa cũng được gắn lên ở những thời điểm khác nhau trong hành trình “yêu”. Hai người  yêu? Đã đính hôn? Đã kết hôn? Hay đã có vài mặt con với nhau?  Hai người tóc đã phai màu? Hay hai kẻ đơn phương độc mã từ hai xứ sở khác nhau chu du rồi gặp nhau ở đầu cầu, lằn điện xẹt ngang. Cả hai đi đến giữa cầu đã thành một cặp và sẵn cái khóa ba lô liền ghi tên hai đứa rồi bon chen treo nó tòn teng với bao cái khóa khác. Tiếng sét mà chạy đâu cho khỏi. Khóa còn đó, chìa khóa biết đâu cũng còn đâu đó dưới đáy sông nhưng bao nhiêu cặp đôi trong số gần cả triệu kia còn đi chung một trên một con đường?

 Bởi vậy nếu bạn đã từng gắn một cái khóa tình yêu vào đâu đó và hiện tại vẫn còn nắm tay (hay chia tay rồi?) người bạn đường lúc ấy thì nên làm một chuyến đi tìm lại kỷ niệm (hay hoài niệm), lấy cái khóa về nếu còn giữ một chìa thứ hai hay dẫn theo ông thợ mở khóa cho chắc ăn. Lấy cớ này vừa du lịch vừa hâm nóng lại tình yêu, biết đâu lấy được cái khóa về ngày ngày nhìn thấy nó tình cảm lại đậm đà hơn hay biết đâu nó lại cứu vãn tình thế khi tiếng sét đã hết lóe sáng từ lâu và tình cảm hai người đang bên bờ vực. Hoặc nếu đã chia tay thì biết đâu khi đến đó người kia cũng đang lang thang tìm lại cái thời còn nồng nàn.."là rất dễ thương như 18, ngọt lịm như đường cát trắng tinh..” (thơ tui) như mình, hay biết đâu đến đó lại gặp tiếng sét lần thứ hai. “It happened, therefore it can happen again: this is the core of what we have to say” (Primo Levi) . Mặc dù câu nói đó ông kia đang nói về một chuyện hoàn toàn khác với chuyện yêu đương nhưng có chút liên quan về ý nghĩa, có thể tạm dịch lệch một chút là lịch sử đã xảy ra thì có thể sẽ xảy ra lần nữa ở cùng địa điểm.

Chốt lại là nhanh nhé, trước khi cây cầu bạn từng gởi gắm đồ được cởi bỏ gông xiềng. Biết đâu…..

Monday 11 January 2016

HAMBURG- THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG CON TÀU





Thành phố cảng lớn nhất, nhộn nhịp và khá phức tạp ở phía Bắc nước Đức. Đây là thành phố duy nhất ở Đức mà mình đã đi qua mà có khuyến cáo nạn giựt dọc, mất cắp. Vừa bước ra khỏi ga trung tâm đã thấy một khung cảnh khác, không khí khác, nói đúng là hơi có vẻ tạp nhạp. Nơi này không sáng sủa rực rỡ như Frankfurt, không yên ắng như Mainz, không cổ kính như Koblenz, không dễ thương như Bingen mà lại mang một vẻ đẹp khác, như một bức tranh đủ màu hỗn hợp nhiều trường phái khác nhau. Hamburg ít được nhắc đến trong các chuyến đi cũng có lẽ vì thế. Vẫn được khuyên là Hamburg chẳng có gì đâu, đừng ghé.

Từ Mainz mất 6 tiếng ngồi xe lửa IC mới đến Hamburg. Xe khởi hành không đúng giờ. Đường ray hay xe có vấn đề nên xe chạy rất chậm, sau đó ngừng hẳn hơn nửa tiếng ở ga Wuppertal hình như là một trạm sau Koln. Vậy mà chẳng thấy ai lo lắng. Có vài cuộc điện thoại xung quanh, một kêu đến rước trễ nhé, một kêu dời cuộc họp đến ngày mai, một kêu đừng chờ chi đói bụng. Chỉ nghe được loáng thoáng bấy nhiêu tiếng Anh, còn phần thông báo chính về chuyện xe trục trặc lại bằng tiếng Đức, phải nhờ anh bạn trẻ ngồi bên dịch dùm. Có nhiều người cười vui vẻ thoái mái vì có cơ hội bước ra hút vội vài điếu thuốc.

Khi mình đến nơi trời đã chạng vạng. Đối diện ga là Generator hostel, không booked trước nhưng có giường trống để ngủ hai đêm. Hostel nằm ngay góc đường đối diện với Hamburg station nên rất tiện đi lại.
 
Ai nói Hamburg không lãng mạn chút nào thì đừng tin nhé. Bằng chứng là buổi tối đầu tiên đặt chân đến đây mình đã ngẩn ngơ với những bậc tam cấp dài hướng mặt ra bờ hồ ngay trung tâm, ánh từ các ngọn đèn chung quanh vừa đủ để thấy vô số các cặp đôi đứng, ngồi vai bên vai. Trên bờ là vậy còn bên dưới hồ là từng đàn thiên nga trắng lượn quanh. Yên bình và lãng mạn vừa đủ..lên phim.

Khi về xem hình mới thấy mình chụp được một tấm nhìn cứ như trong phim tình cảm, đang hồi kết với "happy ending".
 
 
 
Buổi sáng hôm sau trời nhiều mây. Lạnh tê nhưng cố dậy sớm để đi chợ. Một nơi đầy màu sắc và khá quyến rũ ở Hamburg là St Pauli Fish Market. Khu chợ này nằm ngay bến cảng, có lẽ ngày xưa chỉ bán hải sản nên được đặc tên như vậy chứ bây giờ nên gọi là Farmers’ Market thì đúng hơn vì ngoài tôm cá họ bán đầy đủ trái cây, rau cải, thịt, bánh mì…Chợ chỉ họp mỗi tuần một lần vào sáng Chủ Nhật 5-9am. Ở đây họ hãnh diện vì hiếm có nơi nào mới 5 giờ sáng đã có thể vừa xem và nghe nhạc sống vừa được uống các thứ nước có cồn. Dĩ nhiên cà phê và đồ ăn sáng thì không thiếu. Mình đến chợ lúc 6:30 đã thấy đông nghịt. Buổi sáng còn mờ sương, cầm ly cà phê ấm trong tay, đi dạo một vòng hít thở không khí đủ mùi, rồi nhìn người, nhìn những con tàu ngoài kia. Đó là lần đầu tiên được ăn sáng trong một hoàn cảnh như vậy. Và cũng là lần đầu mình ăn thịt bò sống 100%. Món lạ mà ngon.
 
 
Rồi lang thang trong thành phố, lúc thì đi qua khu phố mà người Do Thái đã từng ở, lúc lại qua khu người Hòa Lan, lúc lại ghé nhà thờ. Mỗi nhà thờ lớn ở Hamburg có một vài điểm đặc biệt để nhớ.
Phiá trước nhà thờ St Nikolai nơi có bức tượng nữ thẳng đứng với nhiều dấu tay và bàn tay in vào, bên hông có khắc câu "Take my hand and let me lead you back to yourself"(Nắm tay tôi sẽ dẫn bạn về với chính mình). Nhiều lúc cũng cần một ai đó dẫn dắt mình mới tìm thấy chính mình, nếu không cứ đi hoài chẳng thấy lối ra. Rồi St Michael với cách trang trí mạnh mẽ ấn tượng. Rồi St. Jacobi  (St James), nơi có cây đàn cổ và rất đắt tiền được làm bởi Arp Schnitger từ năm 1693. J S Bach đã ngừng chơi đàn tại đây vì thay vì được trả thù lao ông lại phải trả tiền mới được sử dụng cây đàn này. Tiếc là hôm đó không vào trong được để ngắm xem nó như thế nào.
 
Sau khi đi dạo một vòng trong phố lại nhắm hướng ra bến cảng, nhảy lên chiếc tàu số 62 để đi ra ngoài trung tâm một tí. Hình như cả số 63 cũng được đi miễn phí thì phải. Tàu chạy dọc một bên là bờ, phong cảnh cũng rất đẹp, và một bên là các con tàu lớn và biển xa tít mù. Cả chuyến đi chắc gần 1 giờ và tàu có ngừng ở vài bến dọc đường, bạn có thể xuống đi tham quan sau đó trở lại đón chuyến khác về hoặc đi tiếp.
Buổi tối ăn uống no nê rồi mới lân la đi đến khu đèn đỏ. Một trải nghiệm khó quên ở Hamburg.
Trời tối mờ mờ, đèn lóm đóm vài ngọn. Vừa xuống xe lửa dưới hầm, hình như chỉ có mình mình bước xuống. Tiếng giày vang lên trong đêm. Bước đi một đoạn, lại nghe có tiếng bước chân phía sau. Cố bước nhanh hơn, tiếng giày phía sau cũng gấp gáp hơn. Mình không dám quay lại. Vừa đi vừa chạy lên từng bậc thang. Khi lên đến mặt đường, quang cảnh cũng không khá hơn chút nào. Gió lúc mạnh lúc nhẹ,lành lạnh, vài cây đèn đường lờ mờ. Nào rác, nào lá khô bay khắp nơi mỗi khi gió quét qua để lại những âm thanh rờn rợn. Trên đường lâu lâu lại bắt gặp hai ba ông già quần áo nhàu nát, dáng liêu xiêu với chai rượu trong tay. Lâu lâu lại qua một quán rượu, lác đác người. Một vài quán với đèn xanh đèn đỏ chớp tắt, với hình ảnh các cô gái khỏa thân và các lời mời gọi. Cảm giác ghê ghê, nổi da gà thường trực.
Đó là quảng đường gần ga Reeperbahn, khu St Pauli buổi tối. Tính đi một vòng cho biết, cứ tưởng nhộn nhịp như ở Amsterdam. Ai ngờ đi một chút khoảng 15 phút sợ quá chạy trở lại ga rồi đón xe về.
Hamburg là một hỗn hợp như vậy đó. Như một món ăn lạ ở chợ cá St Pauli với thịt bò sống, tiêu, muối, hành tây, hành lá trên miếng bánh mì giòn. Chưa từng thử qua, dạo vài vòng mới ghé mua nhưng khi thử rồi mới thấy rất nhiều mùi vị và đáng nhớ.
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
 

 

Friday 1 January 2016

Phố sông nước ở Châu Âu

Ở Châu Âu có vài thành phố sông nước mà theo mình mỗi nơi mang một nét đẹp riêng, điển hình như là Venice, Amsterdam, Copenhagen và Brugge. Có lẽ những nét đẹp này một phần bị ảnh hưởng bởi địa lý, khí hậu, cách trang trí và sinh hoạt của mỗi nơi hay cũng có thể do cái nhìn của người thưởng ngoạn.
Các dòng kênh ở Amsterdam đẹp một cách gọn gàng, khuôn mẫu, có phần ‘đứng đắn’ nhờ vào kiến trúc và màu sắc của những dãy nhà hai bên. Nhìn thoáng qua cứ tưởng nhà nào nhà nấy chỉ có một kiểu là nhà sậm màu với chóp nhọn bầu nhưng thật ra nhìn kỹ có khác đấy nhé. Các dòng kênh được trang trí bằng những chiếc cầu đủ kiểu, đa số màu đậm và hầu hết được làm bằng kim loại với các song thẳng hay uốn lượn tiện cho việc…dựng và khóa xe đạp. Một nét đặc trưng khác của thành phố mà cũng là đặc sản đó là xe đạp. Nhiều vô kể. Và những người chạy xe đạp trên các con đường hẹp dọc bên dòng nước cũng mỗi người một vẻ. Có người áo vest phẳng phiu, có người áo thun quần lửng vừa chạy vừa ăn, có người chở giỏ thong dong như đi chợ. Buổi sáng mua một ly cà phê rồi biếng lười ngồi nhìn người qua kẻ lại tôi thấy là một cái thú ở chốn này.

Copenhagen thì lại thoáng hơn, kênh kiệu và xa cách hơn. Cái đẹp để nhìn ngắm nhiều hơn là hòa mình vào. Các con kênh ở nơi này nhìn sáng sủa hơn, nhiều đoạn có đủ loại thuyền buồm đậu sát hai bên đủ màu sắc. Cổ mà nhìn trẻ trung mới ngược đời. Mình vẫn đùa nơi nào có hoàng tộc nó vậy.


Đến với Brugge như đi ngược lại thời gian, êm đềm và mộc mạc. Thư thả, như sống chậm lại một chút, mặc cho bao vội vã ngoài kia. Một căn nhà đá cũ với miếng vườn bé tẹo ngoài sân nằm sát bên dòng nước vừa đủ trồng vài chậu cây có hoa trắng li ti, vậy mà cũng nhét  vừa cái bàn trà với hai cái ghế trắng nhỏ. Lâu lâu lại có vài con vịt, thiên nga bơi qua kêu chí chóe. Đó là nói về các con phố vòng ngoài còn quảng trường chính nơi có cái chóp cao ngất, Belfort vẫn mang nét đẹp riêng nhưng đã được du lịch hóa nhiều.
..Ngày sẽ chẳng dài thêm thôi thì chớ vội
Chậm một chút thôi
Coi nhẹ một chút thôi
Ơ hay, ta dư giả quá chừng.

Còn Venice đẹp theo kiểu mình hay gọi đùa là Casanova. Quyến rũ, trao chuốt mà như không, lại làm dáng một cách bất cần.  Venice lãng mạn có phần mời gọi, buông thả hơn khiến người ta thích sà vào. Mà hễ sà vào là say, là đi lạc như lạc vào mê cung của hệ thống kênh chằng chịt, của những chiếc cầu nhỏng cao nhìn tương tự nhau. Đố ai ghé đây không bị lạc đường. Các con kênh nhỏ, tiếng mái chèo khua từ sáng sớm đến khuya, tiếng gọi nhau í ới, tiếng hát tiếng đàn đủ cả. Ở Venice đường giao thông chính là các con kênh nên mặt tiền nhà nhà đều hướng ra mặt kênh, kiến trúc đẹp cả kiểu cả màu. Nét đặc biệt là những cây cọc thẳng ngay trước nhà để buộc dây thuyền, có khi nhìn chơ vơ có khi như một rừng trọc. Nhớ hồi coi phim “The Tourist” mê mẩn với những cảnh sáng sớm và cảnh tối mờ. Đã đến Venice, đã lạc vô số lần vậy mà còn toan tính trở lại để lạc tiếp.