Sunday 30 July 2017

Những bữa sáng ở xa, những bữa sáng ở nhà



Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Báo đài, các bảng quảng cáo ở trạm xe, trên các hộp cereal đều nói vậy. Nào là lần nạp năng lượng, bữa ăn cùng cả nhả đầu tiên trong ngày, giúp năng suất làm việc cao hơn vì no bụng sẽ tập trung hơn, giảm béo phì, giảm stress, giảm abcd..Nói chung toàn có lợi. Không cãi nhưng cũng như tất cả các chuyện khác trên đời này, còn tùy vào hoàn cảnh, tùy khả năng, tùy sở thích, tùy khung thời gian của mỗi người. Có người dậy sớm điều độ mỗi ngày, thong thả ăn sáng rồi những diễn biến tiếp theo một trình tự nhất định. Có người ăn cũng được, nhịn cũng chẳng sao, hay nhịn riết thành quen. Có người thà ngủ thêm nửa tiếng, trên đường đi ghé ngang mua ly cà phê vừa đi vừa uống.

Tôi không nhịn nhưng năm ngày trong tuần sáng nào cũng vừa ăn vừa chạy. Cuối tuần thường thong thả hơn, cho mình cơ hội ngồi xuống ăn chậm. Và những ngày không đi làm, đi xa, thời khóa biểu tính theo cuối tuần. Nói như thông tin ghi trên các bảng thông báo gắn ở các bến xe công cộng ‘Ngày abc..xe chạy theo thời khóa biểu thứ Bảy/Chủ Nhật”

Nhớ hồi nhỏ mỗi sáng trước khi đi học mẹ đã đi chợ về. Lấy ra trong giỏ khi thì miếng bánh bò nướng, khi miếng xôi đậu gói trong lá chuối, khi gói bánh hỏi thêm hai túm nhỏ nước cốt dừa với nước tương. Không nhiều không màu mè hoa lá hẹ nhưng đó là niềm vui nho nhỏ no bụng mỗi sáng. Cho đến giờ, đi nhiều, ăn đủ thứ trên đời nhưng mỗi lần nhớ lại vẫn thèm cái rìa bánh nướng giòn thơm lựng, miếng đậu phụng bùi bùi, vị béo mằn mặn của nước cốt, mùi thơm khi nhai trúng miếng hành. Bánh hỏi có thể ăn kèm rất ngon với bất cứ món thịt gì nhưng với tôi bánh hỏi ngon và hợp nhất với nước cốt dừa chan tí nước tương. Nhắc lại thèm. Dù mấy món ăn này bây giờ mua hay làm cũng dễ nhưng cái vị na ná, không nghe được mùi tuổi thơ. Tôi hay đùa mỗi khi có người nhắc lại rằng đầu lưỡi đã hết trong trẻo như hồi nhỏ, đã nếm vô số tạp chất nên cũng như mấy giác quan còn lại, đơ nhiều.

Thời gian lên cấp Hai ra phố ở với dì. Tiền chu cấp mỗi tháng một trăm ngàn, làm sao thì làm. Bữa sáng có thể vét nồi hay ăn gì đó có sẵn ở nhà, còn không tự đi mua lấy. Bữa trưa bữa chiều dì lo. Vị chi mỗi ngày ba ngàn ba, nếu ăn sáng, gởi xe, giờ ra chơi ăn thêm gì đó thì chưa đến nửa tháng đã hết. Mấy tháng đầu chưa biết tính budget nên nửa tháng sau chới với, phải cầu xin viện trợ từ nhiều phía. Bị la cứ dùng dằng cãi, giờ nghĩ lại người lớn luôn đúng (95%), mình còn may mắn hơn khối người. Sau ba tháng đầu đã khôn ra, tính toán kỹ hơn. Mỗi sáng không ăn sang mà chỉ mua ổ bánh mì không ở cái xe đầu hẻm, năm trăm. Chị chủ thấy thương nên rưới thêm miếng nước tương. Bữa nào trời đẹp, chị vui nhét thêm ba miếng dưa leo mỏng dính rồi dặn thêm “đầu tháng có lương ăn thêm thịt nghen”. “Dạ” rồi quên đó, đầu tháng ra y như mọi hôm, xin thêm miếng dưa leo, chị không nhắc gì. Về nhà cắn vào mới biết có miếng chả trong đó. Hôm trước về ghé ngang hẻm cũ, chị vẫn ở đó nhưng nhà đã xây lên hai tầng mới toanh. “Mấy đứa nhỏ gặp thời, làm ăn khá”.

Nhiều khi nhớ lại cũng vui, mới lớp Sáu ốm tong teo trước sau y chang mà trường bắt buộc mặc áo dài. Nhìn lại hình ngố ơi là ngố. Toàn ăn bánh mì không trổ mã gì nổi, anh chọc. Vậy mà ngày nào được đưa đón ngồi sau xe đạp cũng ra dáng thiếu nữ, bày đặt ngồi một bên vén tà. Đầu đường Hùng Vương có trường bộ đội/lính, trưa nào về ngang mấy anh cũng huýt sáo inh ỏi. Tưởng vì mình nên giữ mặt thẳng rất nghiêm ai dè mấy lần sau quay lại có một tốp ba bốn chị tóc dài chạy phía sau. Mới mười mấy tuổi đầu đã có dấu hiệu narci. Thiệt.

Càng lớn những bữa ăn sáng càng đa dạng. Ngọt mặn có đủ. Khi sandwich jam, khi miếng bánh ngọt, khi trái chuối, khi cháo trắng cải mặn trứng vịt muối, khi giò chả bánh mì, khi một bàn ê hề mười mấy món cứ như ăn cho cả ngày. Số ngày ăn ở góc bàn quen thuộc trong nhà bếp thưa dần. Sáng chào nhau rất nhanh, đôi khi chữ cuối câu rơi tỏm ngoài cửa. Lo chạy, lo ráo riết với đời, toàn chuyện người lớn. Nhiều khi đang ăn, vừa nhai vừa đưa miếng khác vào miệng chứ tâm trí đang ở ngoài đường hay chỗ làm, tính đi ngả nào cho tiện, mở lời làm sao trong buổi họp trưa nay…Hôm kia đọc được câu này ”Whereever you are, make sure you are there”. Tạm dịch bạn đang ở đâu thì tâm trí nên ở tại đó. Đúng lắm. Bởi vậy các lớp thiền, yoga, tịnh tâm ngày càng đông học viên là vì vậy. Dạy người ta chậm lại, ngừng lại chốc lát. Nhớ thở. Thời này không chỉ phần thân không yên mà phần tâm hay ở trạng thái di chuyển (on the move). Các quảng cáo đồ ăn sáng vẫn xài những từ “up and go”, “on the move” “coffee for busy morning”…




Còn những bữa sáng ở-nơi-không-thuộc-nhà? Ngày thường được kể như cuối tuần, thư thả nhiều. Luôn đáng để nhắc lại, thêm động lực để hăng say cày cho lần nghỉ kế.

Nếu để ý bạn sẽ thấy cách bày biện các thứ ở nhà hàng từ thức ăn, đồ gắp, muỗng nĩa...dành cho người thuận tay phải. Buổi sáng nọ, tôi đứng xếp hàng chờ lấy bánh mì trước một bác người Tây. Khi đến lượt thấy tôi xoay thớt bánh mì qua, bàn hơi chật nên bác nhanh tay kéo hai rổ bánh mì ngọt vừa cười vừa hỏi “Thuận tay trái à?” Tôi vừa cám ơn chưa kịp nói thêm gì bác lại lên tiếng “Người thuận tay trái thường khéo và thông minh. Obama viết bằng tay trái”, nguyên văn bác nói clever and smart. “Ủa vậy hả bác, con chỉ cầm dao bằng tay trái. Cầm viết cầm đũa đều bằng tay phải nên chỉ được nửa phần khéo và IQ trung bình”. Cả hai cùng cười. Bác rủ tới bàn ngồi ăn chung, bác gái đang chờ. Họ đến từ Copenhagen, tự làm chủ, không có con nên ít khi ở nhà. Cả bữa sáng bốn lăm phút toàn nói chuyện đi, chuyện ăn và những chuyện vui, lạ gặp dọc đường. Khi họ đưa cuốn sổ kêu tôi viết xuống vài nơi nên đi, nên ăn ở Melbourne bác trai gật gù “Nó viết tay phải thật, hèn chi nãy giờ có mấy câu hỏi nó ú ớ”. Đã nói rồi mà. Một bữa sáng cười rất nhiều.

Lần đó đi về nhằm lúc thằng cháu mới bắt đầu cầm viết. Nó cầm tay trái. Mặc cho mẹ với bà dụ cách nào chút xíu nó lại chuyền qua tay trái. Tôi kể lại chuyện gặp hai bác Đan Mạch, quất thêm cuối câu Obama cũng cầm tay trái. Nhớ hồi nhỏ có đứa bị bắt đổi qua cầm đũa tay phải nên cà lăm tới gần mười tuổi mới hết không? Thuận tay trái thấy chướng chướng, chị nói. Tay nào cũng tay, cứ để thằng nhỏ phát triển tự nhiên, đổi qua đổi lại có đứa bị mất cân bằng lại sinh tra chứng khác. Thầy đã dạy mà, nói gì ra phải có chứng cứ, mà chứng cứ càng mạnh càng dễ thuyết phục. Thế là thằng nhỏ được tha.

Nhắc Copenhagen lại nhớ bữa sáng uống bia duy nhất từ đó giờ, trong quán dưới dốc cầu. Mộc và lạ, buổi sáng quán đã đốt đèn cầy. Một ngoại lệ, vì xưa giờ chưa từng cho phép mình uống nước có cồn trước mười hai giờ trưa. Nhớ có người từng bào chữa, buổi sáng ở đây nhưng đang là chiều ở múi giờ khác. Thề sẽ không có lần thứ hai vì sau đó cứ bị ngầy ngật, mặc dù có ăn thêm chén soup gạo bí với parsley, uống hai ly cà phê chẳng ăn thua nên về khách sạn ngủ đến tối.



Đi xa có những món lần đầu tiên được thử, đảo lộn thời khóa biểu ăn trong ngày. Sau bia, đến các món ăn sống. Lần kia đi chợ cá từ tờ mờ sáng. Chợ nằm ngay bến cảng, thoáng, gió sớm lạnh run. Đi chợ cá nên ăn sáng bằng cá cũng là điều dĩ nhiên. Ngon không chê vào đâu được. Cá hồi tươi thêm hành muối tiêu để trên bánh mì, ngọt tan trong miệng. Đổi lại, cà phê nhạt thếch.



Mấy ngày ở Đà Nẵng đồ ăn sáng mê duy nhất món bánh bột lọc. Thứ bánh trong veo với con tôm nhỏ xíu thêm chút hành phi chấm nước mắm ớt mà năm khi mười họa ở nhà mới được ăn. Nhỏ bạn người Huế réo lại mỗi khi má nó làm. Chỉ có bác mới làm đúng điệu, cái bánh dẹp, gói từng cái vào lá tre hay lá chuối (lá xứ này là thứ xa xỉ). Bằng không người khác làm thô hơn, không hấp mà thả vào nồi luộc nên đã không còn thuần bánh bột lọc.

Và món ăn sáng thứ hai chỉ tìm thấy ở Đà Nẵng và Hội An là bắp nếp luộc. Loại bắp dẻo ngọt, nhựa nhiều mà theo chị bán nói ở Việt Nam bây giờ người ta không chuộng nữa. Ai nấy cũng đòi ăn loại bắp hạt to nhiều nước, cạp còn lại cái cùi xù xì (nguyên văn). Bắp Mỹ. Bắp nếp ở nhà vẫn thấy bán, đông lạnh. Chưa từng mua.

Nhớ hồi nhỏ nhà nội trồng mấy công bắp, mỗi lần nấu cả nồi to, nhưng hiếm khi tìm được một trái không đổ nhựa. Sáng, trước thềm ba đám cháu mỗi đứa gặm một trái. Những trái đầy nhựa là trái già, ngoài chợ họ chê. Giờ ngược lại, ở chợ nên toàn mua trái ráo hoảnh, muốn ăn lại một trái đầy nhựa kiếm không ra. Vườn nhà nội bây giờ toàn bưởi với cam. Nội không còn. Cái nồi nấu bắp vẫn còn dựng ở góc bếp, khói bám đen thui. Đút thêm cây củi dừa vào, lửa than đỏ hồng, khói lơ lửng đùa qua vách. Đổ nước sôi vào tô mì. Ăn sáng.