Tuesday 25 April 2017

Ta chọn nhau dừng lại



Đã nắm tay nhau trong men say khi rồ dại
Môi hôn còn thơm mùi hoa bưởi sớm mai
Hai đứa cộng lại đã qua vạn nẻo muôn đường
Hơn bảy tỉ người ta chọn nhau dừng lại

Phía sau lưng trăm chuyện đã từng
Đã mặc định như hạ nắng thu mưa
 đêm rằm trăng tỏ
Không là ẩn dụ chẳng đánh đố gì
Một sớm quay đi
quẳng vào chân gió

Còn đường trước mặt rủi may như cánh đồng chưa gặt
Ai chẳng nhọc lòng lo mất trắng một mai
Ai chẳng cầu may cuối mùa đầy yên ấm

Thôi thì lo chi vạn dặm trước sau

Đã nắm tay nhau qua lao xao ngày nắng
Đã giữ giùm nhau vạt áo khỏi mưa mù
Đã dừng lại cùng bày áo gấm rượu hoa
Ngày tháng này ta bên người bên ta đã đủ

Sunday 16 April 2017

Ở Torcello thèm nghe vọng cổ






Nói thế nào nhỉ? Dấu vết của hiện tại, của thế kỷ 21 vẫn đầy ra đó nhưng cảnh quang làm cho người ta có cảm giác đang tuột về hàng bao thế kỷ trước. Chẳng cần nhìn đâu xa, vừa bước lên bờ nhìn sang dòng nước bên cạnh đã thấy vẻ xưa cũ in trong đó.

Thời gian chỉ vừa đủ để tôi đi một vòng trên đảo Torcello, từ con kênh lớn có bến tàu đến cuối dãy đất là con kênh nhỏ buồn thiu; cây cầu ngắn bằng hai miếng gỗ, năm sáu cây cột để buộc dây thuyền và cái màu chiều nhờ nhờ bên kia bờ, cái bóng lưng của anh chèo thuyền ám ảnh dễ sợ. Đứng trên bờ nhìn xa xa thèm nghe vọng cổ gì đâu. Lúc đó mà nghe Út Trà Ôn cất giọng “ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào..” chắc buồn đứt ruột.



Có lẽ vui nhất trên đảo là những gốc cây ăn trái. Tụi nó xanh um, trái lặc lè. Táo, nho, lê, lựu.. Những trái lựu vừa chín đỏ mời gọi; có một cây ở ngay bến tàu chào đón khách, thêm vài cây to ngay trước quán nước duy nhất trên đảo. Quán trang trí đơn giản, bàn ghế gỗ, bên hông có thêm giàn nho. Mấy cánh cửa sổ màu xanh trên gác mở toang, chồm ra gặp ngay hai chậu hoa nở đầy. Đoán chủ nhân chắc dân ở đây.



Người sống trên đảo chỉ còn mười một. Vì thế dấu chân phần nhiều là của du khách và nhân viên sáng đến chiều đi để lại. Đảo Torcello nằm ở phía Bắc của Venice. Nhìn cảnh hiện tại ai ngờ nơi đây từng phồn thịnh và đông dân hơn cả Venice.  Người đông mà đầm lầy cũng nhiều và chung quanh là nước nên muỗi cũng vô số. Khi dịch sốt rét lan tràn vào thế kỷ 12, họ tản đi dần hết.

Khi bước lên tàu tôi nghĩ Murano với Burano có ngày tôi trở lại nhưng Torcello chắc không dám. Ánh mắt là lạ không biết diễn tả làm sao của ông già ngồi bán đồ lưu niệm trước nhà thờ Santa Maria Assunta đã theo tôi gần cả tháng sau đó. Nói đây là hòn đảo dành để viết và quay phim kinh dị tôi không thấy lạ chút nào. Đây cũng là nơi duy nhất trong nhiều năm qua làm tôi nghĩ tới vọng cổ và thèm nghe lại.

Sunday 2 April 2017

Những chùm gai ở Eze







Eze là một trạm dừng không định trước. Đơn giản vì thời gian hạn hẹp. Dành cho miền Nam nước Pháp chỉ có ba ngày hai đêm, định ở Nice rồi qua Monaco trong ngày về. Tham lam và tò mò không phải bệnh lây nhiễm mà ai cũng mắc phải. Thế nên có thêm Eze chen vào. Lỗi do chị chủ nhà ở Paris. Năm giờ sáng tờ mờ, gió đầy phố, chị tiễn bọn tôi trước nhà. Khi quay vào trước khi đóng cửa còn thòng thêm một câu “Ghé làng Eze đi, không đẹp sau này qua ở chị không lấy tiền”.

Làng Eze ở đâu? Một làng cổ nằm trên đồi cao bên bờ Địa Trung Hải, giữa Nice và Monaco. Nếu đi xe lửa từ Nice đến ga Eze-sur-Mer nằm sát bờ biển mất khoảng hai lăm phút, từ đó bắt bus 83 lên đến trung tâm mất thêm nửa giờ hơn và leo lên “làng” mất thêm mười lăm phút.


Buổi sáng trời nắng trong veo. Tối qua về trễ nên sáng lề mề, xuống ga đã gần mười hai giờ. Vắng, không có hàng quán gì, chỉ có tourist office nhưng chủ Nhật nên đóng cửa. Vừa bước ra ngoài xe bus cũng vừa chạy. Mỗi giờ một chuyến. Dù gì cũng phải chờ, xung quanh chẳng có gì nhiều nên bọn tôi băng qua đường định xem căn nhà màu hồng có gì trong đó. Quán ăn. Thế là kéo vào vừa trốn nắng sẵn ăn trưa luôn. Quán ăn được trang trí đơn giản, tông trắng từ tường tới bàn ghế. Khi bọn tôi vào quán đã đông người, chắc là họ cũng như bọn tôi bị trễ xe. Hỏi ra quán đã mở mười mấy năm, chủ người Ý. Ông chủ nấu ăn và hai cô con gái làm các việc còn lại. Tôi kêu một phần cá hồi nướng, ăn với rau cải chua. Cá tươi, rau tươi, nêm vừa ăn, giá rẻ hơn so với Nice và Paris.

Tuyến đường từ ga Eze lên đến trung tâm khá dốc, hẹp với nhiều cua quẹo gắt nên dễ bị say xe. Xưa giờ tôi đã ngồi xe qua nhiều đường núi chẳng hề hấn gì nhưng lần này hơi bị ngầy ngật. Một bên là núi đá, một bên vực nhìn xuống biển xanh ngắt. Đây là điểm du lịch dành cho mùa hè, hoặc trễ lắm là thu, chứ mùa đông sẽ lạnh lẽo âm u không đẹp mà đường đi lại nguy hiểm.



Làng Eze được xây vào thế kỷ 14, khoảng năm 1388, trên đồi cao cách mặt biển hơn 400m. Những vách đá, những con đường hẹp gồ ghề được xây lên như một bức tường thành để bảo vệ Eze khỏi bị tấn công, nhất là khi nơi này khá gần với Nice. Từng thuộc về nhiều nước khác nhau, cho tới ngày nay, mặc dù thuộc Pháp nhưng phần đất này như là nhịp nối giữa Pháp và Monaco, là của chung. *



Và đặc biệt là cả cái làng không có nguồn nước ngầm hay mạch nước nào nên cho tới năm 1930 người dân ở đây vẫn phải “xuống núi” để mang nước lên xài, và họ cũng từng trữ nước mưa để dành mùa khô như nhiều nơi khác. Cũng vì lý do này mà hầu hết các loại cây xanh họ trồng là các loại xương rồng và các loại cây không cần phải tưới nước thường xuyên như bông giấy. Trên đỉnh đồi có khu vườn Jardin trồng trên 400 loại cây họ xương rồng khác nhau. Quanh làng cây ít, không đa dạng nhưng cách họ trồng, cách uốn éo nhìn khéo lắm. Vài bụi xương rồng trước góc nhà, một chậu bông giấy vàng trên góc cao hay cội bông giấy đủ màu xòe trước cửa.. Màu của những chậu hoa treo bên ngoài cửa sổ nổi bật hơn với nền đá nhạt. Trời nắng nhưng vách đá như được làm dịu đi trước sắc hoa. Đang ở xa nhà hàng nghìn cây số mà trong đầu cứ văng vẳng lời hát “hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót sau vườn nhà tôi, giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm”.



Ngoài ra những bậc thang, những cánh cổng vòng cung, những bóng đèn đường, phòng trưng bày tranh, shop bán đồ lưu niệm cũng là lý do để người ta đi chậm lại. Xưa kia dân ở trong những căn nhà kín bưng, nhỏ như những cái hang này. Ánh đèn dạ lên những món đồ thành thứ ánh sáng ấm mà nếu đi nhanh nhìn lướt vào bạn có thể nhằm đó là một bức tranh. Bước đến gần mới ồ, thì ra có cánh cửa.






Nhà thờ Eglise Notre Dame de I’Asomption nằm trên vuông đất cao nhất và cũng là biểu tượng của làng. Phía trước là khoảng sân rộng, rồi đến khu nghĩa trang nho nhỏ. Bọn tôi đã ở lòng vòng khuôn viên trước nhà thờ khá lâu. Hôm đó trời trong, nắng như lụa. Nhìn xa xa không thấy được lằn ranh mây nước. Vốn từ của tôi không đủ để diễn tả hết quang cảnh ở đây nhìn xuống. Và những người nằm xuống trong nghĩa trang kia có lẽ đã góp phần không ít để giữ ngôi làng cổ còn vững chắc, giữ những vẻ đẹp chung quanh và từng ngõ ngách để khi khách bước xuống những bậc thang giữa chừng lại muốn quay ngược trở lên.


Điệu này lần sau quay lại Paris phải kiếm chị chủ nhà trả tiền để ở và được ăn cơm Việt.


(* những số liệu được lấy từ internet và trong làng)