Saturday 29 September 2018

Trên bàn son tháng Chín

Một ngày ta nhận ra
Kẻ luôn đứng thẳng hàng
Lại thường chơi ăn gian
Còn những thằng láu cá
Xô ngã luật dưới trời
Mà trong lắm cuộc chơi
Thiệt thà như trái chua 
trên bàn son tháng Chín 

Sunday 19 August 2018

Tay còn mơ ngủ

Sớm nay tay bỗng nhớ người 
Nhớ cong khói thuốc dáng cười trăng nguyên
Từng mơ mỗi sớm an yên
Dẫu nghìn giông gió ngoài hiên ùa vào

Sớm nay tay cất tiếng chào
Chùm hoa mận trắng nghêu ngao giữa trời
Cà phê quên đắng ai ơi
Móng tay võng nắng 
làm rơi viên đường

Sớm nay giữa lối mù sương
Bóng lưng áo trắng vùi sương tóc bồng
Đùa rằng tháng Tám còn Đông
Tay còn mơ ngủ sao trông ra người




Saturday 18 August 2018

Portree- đi dăm phút đã về chốn cũ

Nếu sợ chốn thị thành nhiều va chạm
Bỏ đi nghen về phố nhỏ vắng người
Chỉ có biển ghe chài và những ngõ êm ru
Cho tóc rối môi run bước chân hoài chưa mỏi

Xài lại mấy câu này khi ở cái nơi mà nhìn đâu cũng thấy nước thấy thác. 
Portree mang một chút nét cửa Manazuru với những ngõ nhỏ lên dốc xuống dốc bất chợt. Với những căn nhà màu sơn đã cũ san sát nhau, được xây sát mặt đường nên người đi bộ phải nhìn trước nhìn sau để tránh xe. Và cuối con dốc là bến cảng lặng sóng, chiều tàu thuyền về đầy bến nhưng ít thấy bóng người ta.

Portree cũng mang một chút nét của Luxembourg với phố cao phố thấp. Hai tầng phố được nối với nhau bằng những bậc thang hẹp, bằng con dốc lài dành cho xe. Phố trên cao có vài quán ăn quán bar nhỏ ven đường, nhiều cửa kiếng nhìn ra Somerled Square hay nhìn ra bến cảng bên dưới, với mấy anh bartender rất duyên. Phố thấp gần bờ nước bên thuyền nên có vẻ không gọn gàng như tầng trên. Cũng có vài quán ăn nhỏ, và dĩ nhiên giá cả rẻ hơn chút đỉnh.

Và Portree gợi nhớ một chút Burano với màu sơn nhà, vàng xanh hồng rồi trắng. Màu nhiều nổi giữa nền trời xám, cát đen nhưng nhìn không nổi như mấy dãy nhà dọc bờ kênh ở Burano vì ở đây họ sơn một block hay vài căn cùng một màu rồi mới qua tông màu mới. Nếu ở Burano dễ bắt gặp mấy bác lớn tuổi ngừơi đứng bên này người đứng bên kia bờ kênh trò chuyện thì ở đây họ ngồi trước nhà thảnh thơi cười nói hay nói với qua hàng rào. Một bác đứng trước nhà thấy tôi đi ngang vẫy tay chào, tôi đứng lại hỏi vài câu, bác nói ở đây xưa nay vẫn vậy. Chẳng có gì vội. Lại đang là mùa thu, mùa hè nhịp sống sẽ nhanh hơn theo thời tiết ấm.

Tôi thích chỗ mình ở vì phòng ăn nhìn thẳng xuống bến cảng. Buổi tối hôm vừa đến chỉ thấy mấy bóng đèn xa xa tù mù. Mây thấp. Sáng hôm sau trời trong hơn, mặt trời mọc ửng một góc biển. Lành lạnh nên chắc mọi người còn ngủ, chẳng thấy bóng ai. Tôi nướng hai miếng sandwich, mứt blueberry, pha thêm ly cà phê. Cả khoảng trời rộng trước mặt như chỉ dành riêng cho mình.

Saturday 7 July 2018

Vịn tay người qua bóng nắng lặng thinh

Đang nghĩ nên viết gì vào một sáng tháng Bảy nhiều mưa. 
Khi ngoài kia lạnh se gió ì ào từng đợt
Ghi nỗi nhớ đầy lên trang giấy trắng phơ
Hay cơn mơ đêm qua ta lạc giữa rừng thông xanh ngát
Nghe tiếng hát du miên
Nghe chim trời tỏ tình trên luống dâu vừa chín
Ta vịn tay người qua bóng nắng lặng thinh
Tiếng suối chảy nói thay tiếng lòng mình
Những dấu chân chắc gì còn in mãi
Rồi ngày dài rồi mưa dầu nắng dãi
Sẽ phai
Chỉ còn lại ánh lửa hồng
trời đầy sao 
không tin nhắn
Không lời than phố thị
Chỉ còn đêm chếnh choáng với trăng cao
Và người 
Và ta
Cùng hiểu đoạn đường đẹp đâu nhất thiết là dài
Mà đã ở cùng ai 
Đã cùng ai say những ngày không hối tiếc 
Rồi khi trí nhớ mình cạn kiệt
Quên ai kia hai bóng nắng trong hình
Vẫn ồ lên
Căn chòi lá
Hàng cây thẳng nắng hanh vàng
Sao yêu quá. Ru yên.

Rồi tỉnh giấc
Ta nghe tiếng côn trùng ngáy giữa đêm tháng Bảy mưa đông.

Tuesday 3 July 2018

Ngày nay ngày hai mươi năm trước

Ngày hôm nay 
Rồi sẽ thành một ngày của hai mươi năm trước
Những điều mất được sẽ là quá khứ cả thôi
Còn chăng mỗi bận ký ức dội về 
Cơn đau mềm dần theo ngày tháng
Rồi một ngày 
Đâu cần những viên thuốc bọc đường dỗ dành
Để kịp nhận dạng cái đẹp từ góc nhìn khác
Đã bỏ lỡ 
Đã thờ ơ
Như cuốn sách quăn bìa sau vài lần đọc lại
Vẫn hay 
Đoạn ưa thích lại dời qua nhiều trang khác 


Friday 15 June 2018

Tiễn

Trăng tiễn người đi mờ bóng lưng
Dặm dài trong mắt người ở lại
Một sớm thu con đường cái
Gió rát câu từ giã lái qua môi





Monday 7 May 2018

Silk và Night Train to Lisbon

Có nhiều nơi đã đi qua mỗi lần nhớ lại tùy theo nơi nào, ở đâu, khoảng thời gian nào sẽ gợi lại những điều khác nhau. Có thể là một màu đặc trưng nào đó, một con đường, một mùi hương, một món ăn, một câu nói hay một cái nhìn. Những điều này chưa hẳn là những điều mình thích hay hài lòng nhưng bằng cách nào đó đã ở lại trong ký ức lâu và rõ nhất. Và mỗi khi bắt gặp lại hay có cảm giác từa tựa thì hoặc là có chút nao nao, hoặc là mỉm cười vu vơ hoặc là đá đại thứ gì đó đang ở dưới chân nghe “xoảng” một tiếng và bước tiếp...

Ăn trưa nhằm lúc TV đang chiếu “Silk”. Tuyết trắng xoá. Những con ngựa đang cúi đầu đi từng bước chậm trên triền núi. Những người đàn ông áo mũ lù xù, cả Tây cả Nhật đang trên đường đi kiếm…tằm. Chiều trên đường lái xe về vẫn nghĩ tới mấy cảnh phim, như vẫn còn nghe tiếng nhạc. Nhẹ, có chút ray rức. 

Nãy giờ search thì ra phim có đoạn quay ở Sakata, thuộc vùng Yamagata. Một nơi nổi tiếng với những đồng lúa, vựa gạo lớn của Nhật. Một nơi có dãy nhà gỗ khoảng mười căn nằm sát cạnh nhau từng được dùng để chứa gạo. Sankyo Soko Warehouse. Ảnh con đường dọc dãy nhà này dễ bắt gặp nhất, có lẽ là nơi ai cũng đi qua khi đến Sakata với hàng cây cổ thụ có tán lá chồm ngang chạm vào những nóc nhọn. Nhìn rất thơ, bất kể mùa nào. 

Giờ mới biết nhiều cảnh trong phim Oshin đã được quay ở Sakata. Nhớ hồi đó từng mê phim này. Lâu quá giờ quên hết chi tiết, chỉ nhớ cô bé Oshin lơ ngơ về nhà chủ lúc nhỏ, nhớ chuyện mỗi sáng họ nắm cơm từ tờ mờ sáng để đem ra đồng ăn, những nồi củ cải trắng được giã ra để ăn độn..

Một phim khác chẳng có liên quan gì đến Nhật nhưng khi xem chẳng hiểu sao lại nghĩ về Nhật là “Night train to Lisbon”. Chuyện về một người thầy giáo bỏ lớp học mình đang dạy bước lên chuyến tàu đêm từ Bern đi Lisbon chỉ vì một cô gái bỏ lại cái áo khoác đỏ với một cuốn sách cũ mà vừa nhìn thấy hình tác giả, đọc mấy dòng đầu ông đã bỏ lại tất cả. Trong sách có kẹp tấm vé tàu. Chỉ còn mười lăm phút là xe chạy. Căn phòng trọ cũ sờn với chiếc giường, tủ áo và màn cửa sổ dày. Những con đường dốc ở Lisbon. Cặp kiếng mới. Những chuyến phà. Những bao thuốc lá. Dù tác giả cuốn sách kia không còn trên đời nữa nhưng những nhân vật trong sách vẫn sống, họ đã già đi nhiều, cảnh cũ vẫn còn và những điều được kể lại như chưa xa lắm. Tiếng đàn guitar và cảnh ở sân ga làm tôi nhớ lại nhiều nơi mình đã qua. Chẳng bà con gì với cảnh Nhật cả nhưng câu cuối trong phim đã làm tôi nhớ những ngày ở Nhật. “Hay là ở lại, đừng đi nữa”.

Một cốc matcha beer uống gần nhà
Một góc đâu đó ở Yamagata
Một nơi chưa qua
Một nơi dừng lại 
Một tiếng đàn chiều âm mãi trên vai...

Sunday 29 April 2018

Đường thầm thì

Tôi luôn cho rằng mỗi người lên đường bắt đầu những chuyến đi vì nhiều lẽ khác nhau. Nghỉ xả hơi, đam mê, vượt qua thử thách, chinh phục, tò mò hay chạy trốn…Và vô vàn các lý do khác mà chỉ người đang đi về phía trước tự biết.

Theo phim ảnh tài tử như hai nhân vật trong “Me before You” thì một người đi vì muốn lay chuyển, thay đổi hay cứu rỗi một linh hồn. Còn người kia cũng đi cùng một chuyến, cũng nằm dài trên phơi nắng cũng ngắm sao đêm nhưng đó là lần đi cuối cùng vì lòng đã kiên quyết khi trở về sẽ kết thúc đời mình. Vẫn là đi nhưng sẽ không trở lại, thoát ra khỏi khung cửa mở đầy nắng và gió, hai miếng màn trắng phấp phới tiễn đưa.

Mấy tuần trước báo đài liên tục đăng tin một giáo sư đại học Monash tử vong ở giữa Camp 3 và 4 trên núi Everest. Hai vợ chồng cùng ăn chay, cùng muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất này nhưng khi gần đến đỉnh thì phải trở xuống vì bị nhiều triệu chứng bệnh do độ cao. Anh chồng được cứu kịp thời còn người vợ đã không chờ được. Cả hai còn trẻ, và họ đã chinh phục thành công nhiều ngọn núi cao trước đó.

Không kịch tính và đau lòng như hai thí dụ trên là chuyện anh bạn đồng nghiệp đi như trốn sau khi ly dị vợ. Trước khi đi cũng có báo với người nhà và chỗ làm nhưng không nói rõ là đi đâu. Mất tích hai tuần. Khi trở về da sạm nắng, bớt im lặng hơn. Chuyến đi không biết thế nào nhưng đã có tác dụng “giảm đau”. Anh chàng cứ nói “the dust will settle”. Cần bao lâu? Ai biết.

Còn tôi đi là đi thôi, biết mình không đủ sức chinh phục cũng chưa đến nỗi phải chạy trốn nên mỗi chuyến đi điều bao gồm một tí của các lý do khác kể trên. Tùy theo từng nơi mình đặt chân đến, tùy theo tâm trạng, các cuộc gặp gỡ mỗi ngày mà cài từng lý do khác nhau. Có trầm có bổng nhưng dĩ nhiên bổng chiếm đa số thời gian vì dù gì cũng nghỉ ngơi từ nhịp độ vòng quay thường ngày. Không phải căng vì những con số, những cái tên, những tiếng báo động khẩn, những bệnh tật của ngừời đối diện, hay nạn kẹt xe mỗi sớm chiều. Khi ở xa lại căng một cách thú vị hơn vì lo hôm nay đi đâu, leo lên xe nào, ăn gì uống gì…Luôn tự cảm ơn chính mình vì đã “nghỉ”. Tóm lại, chưa từng hối hận vì những chuyến đi.

Tôi cũng từng nói mặc kệ bạn đi tour, đi nhóm, đi solo ngủ bờ bụi hay trong khách sạn lấp lánh năm sáu sao, điều quan trọng là những gì bạn trải qua trong chuyến đi, những gì còn vướng lại trong ký ức sau khi trở về. 


Sau mỗi bận lạc đường tưởng thôi 
Ngừng dấn bước          
Lối rẽ khôn lường tim nhảy điệu salsa
Trưa vén tóc nhện giăng sào phơi áo
Chân cứ buồn muốn vượt núi đồi kia

Muốn bất chấp vai run lòng tay lở
Muốn theo gió bồng quảy gánh đam mê
Sau mưa cuối rừng
Nơi biển liền sông đáp từng dấu hỏi
Vạt nắng lưng chừng ráp vội tiếng thơ trôi

Một lần rồi một lần giữa thảo nguyên căng tràn ngực mỏng
Tiếng ngựa hí bầy run mép nước hồ xanh
Dụi mắt đi
Len đến tận cùng mùa cỏ rối
Gió bạt sẽ ngừng
Đau rồi sẽ khỏi 
Người ơi

Chân chạm mé rào nghe thơm mùi gạo mới
Tiếng đũa khua chiều ta chẳng lỗi gì nhau..

Sunday 1 April 2018

Reykjavik- MÙA CỎ RỐI


Nếu chỉ nhìn vào cái tên, bất kể mùa nào, chưa đặt chân đến nơi đã nổi da gà vì…nghe lạnh. Iceland. Đất lạnh. Băng Đảo. Nhiêu đó cũng đã giảm độ lạnh phần nào, vì quốc gia thưa dân nhất Châu Âu này từng được gọi là Snæland, Snow Land. Nhưng đó là bề mặt, bên dưới lòng đất lại là một “thế giới” khác, độ nóng bị dồn nén lúc nào cũng muốn xì ra.

Gần chín giờ sáng, trời tháng Mười co ro. Bước ra khỏi sân bay Keflavik tôi nghe hơi lạnh ào vào người, len qua từng lớp áo. Gió muốn bứng tôi khỏi mặt đất ngay tức thì. Bởi vậy khi đọc khi nghe về nơi này người ta không chỉ nhắc đến chuyện nhiệt độ, chuyện tiền điện rẻ như cho, mùi lưu hỳnh, mà còn nhắc nhiều đến gió và gió rất mạnh. Ngoài cái ấn tượng đầu tiên với gió thì đoạn đường từ sân bay về Reykjavik chán lắm. Đồng cỏ vắng..bất tận. Nhà thưa, thấp như những chiếc hộp màu chì.

Nếu làm văn tả cảnh thì dễ quá, trên đất Iceland không tươi mát kiểu cây xanh rợp bóng, hoa khoe sắc đủ màu bên đường hay trên sườn đồi mà chỉ có cỏ có rêu rạp sát đất, màu xanh pha vàng đầy hơi ẩm. Và màu trắng của vô số những thác nước, của tuyết trên các đỉnh núi chứ trên đất bằng dù lạnh nhưng tuyết hiếm khi rơi vì Iceland nằm ngay luồng nước ấm chảy quanh.

Ngạc nhiên thứ hai là nhà trọ tôi book có mặt tiền nhưng không mở cửa trước, có cửa hông mà ngặt nỗi họ kéo dây sắt chung quanh vì đang xây nới rộng ra, đang tráng xi măng. Thấy tôi đi tới đi lui xớ rớ, cô bé trong tiệm cắt tóc kế bên mở cửa ra hỏi muốn vào nhà trọ à, thôi chẳng còn cách nào khác đi thông qua tiệm tôi đi. Cô với tay kéo giùm một cái va ly.

Thế đấy, Iceland đón tôi bằng gió, hơi lạnh, mùi thuốc nhuộm, tiếng máy sấy tóc và cái cười rất tươi dẫn vào…cửa hông. Và bình hoa hồng trong căn phòng nhỏ tinh tươm, ấm, thoáng.

Như đã nói vài lần chuyến này tôi chọn đi xe lửa qua biên giới. Iceland là một ngoại lệ phải bay vì không còn lựa chọn nào khác. À mà có, đi tàu, chắc mất cả tuần. Và một ngoại lệ khác là tôi đã đi theo tour một ngày, Golden Circle và một tour buổi tối để ngắm Northern Lights. Nếu đi hai người trở lên hay đi nhóm và có người biết lái xe thì bạn nên mướn xe tự đi sẽ tiện hơn, sẽ đến được thêm nhiều nơi khác trong khung thời gian của mình. Trở về rồi tôi mới nghĩ, lần sau dù đi mấy mình tới xứ này tôi cũng sẽ mướn xe để lái, còn rất nhiều nơi muốn đi mà cứ tour thì tiền nào chịu thấu. Vẫn sẽ chọn mùa thu.

Với dân số tương đương Brunei khoảng bốn trăm nghìn, đất rộng hơn nhiều, Iceland không giàu bằng xứ dầu hoả nhưng giàu nhờ chăn nuôi và nhờ biển. Sắp tới sẽ nhờ thêm nguồn năng lượng tái tạo lấy từ lòng đất khi điện được “xuất khẩu’ qua Anh và những nước khác. Và số lượng khách du lịch đến đây tăng nhanh trong mười năm trở lại đây. Mấy năm rồi lượng khách mỗi năm đến gấp ba gấp bốn lần dân số của họ. Một số nông phẩm được trồng trong nhà kiếng nhưng phần lớn được nhập vào nên mắc trời ơi. Bởi vậy dân họ chỉ ăn thịt, ăn cá, các món chế ra từ sữa chứ ít ăn rau củ tươi. Mà đâu phải chỉ rau củ, ở đây thứ gì cũng mắc mỏ. Một ly cà phê hay chocolate tính ra gần $10 là biết đau thế nào.

Còn nói về con người, “vừa hiền khô dễ thương..’ nhưng kiếm người đẹp hơi khó. Mà khách đâu phải đi kiếm mỹ nam mỹ nữ nên những ngừơi chung quanh tận tình dễ mến đã đủ khiến nhiều người quay lại đất này. Từ ông bà chủ nhà, hàng xóm tiệm cắt tóc, cô bé ở quầy bán vé tour, quầy information đến mấy bác lái xe bus. Ngày đầu cử tưởng vì mình là khách nên họ thân thiện vậy nhưng sau mấy ngày ở đây thấy cách họ đối xử trò chuyện với nhau cũng như với mình. Điều này làm tôi nhớ đến Copenhagen, nhớ cái không khí trong lành và cả con người. Iceland từng thuộc Đan Mạch nên văn hoá ảnh hưởng nhiều cũng không lạ.

Còn ngôn ngữ thì thôi, tôi không dám bàn. Đi về chẳng nhớ nỗi một chữ nào, cả con đường về nhà cũng không nhớ, chỉ nhớ tên vài địa danh như Reykjavik, như Geysir. Có lẽ đây là nơi đầu tiên tôi đi qua mà về mù tịt như vậy, dù vẫn tự tin trí nhớ của mình chưa tệ lắm. Từng nói qua tiếng Đan Mạch với tiếng Đức khó ngang ngửa nhưng giờ thấy tiếng Iceland thắng về độ khó. Chỉ thấy có chút thân thuộc vì tiếng họ có chữ đ và dấu sắc. Như Hallgrímskirkja, nhà thờ cao nhất xứ này đứng ở đâu trong thành phố cũng thấy mà mỗi lần nhắc tên chỉ nhớ bắt đầu bằng H.


Trừ ngày đi tour, các ngày còn lại tôi chỉ đi lòng vòng Reykjavik. Mỗi sáng ra trước nhà đón xe bus vào trung tâm. Một nơi không dễ lạc, con đường nào cũng đi  đến bến cảng, đến biển, và thấy chóp nhà thờ. Tôi đi bộ qua các con đường vắng, qua những căn nhà những shop đủ màu có mặt tiền phẳng trang trí đơn giản. Khi mệt liền ghé vào một quán cà phê hay quán ăn nào đó dọc đường để nghỉ để nạp năng lượng và nghe những âm thanh xa lạ.



Có hai chuyện tôi nhất định không làm chuyến này. Thứ nhất là không đi taxi/uber, chỉ di chuyển bằng xe công cộng và đi bộ. Thứ hai, không mang theo máy chụp hình cồng kềnh, chỉ mang điện thoại. Nên kết quả Northern lights chỉ thu về trong điện thoại vài tấm lờ mờ, nhưng đã thấy mình may mắn vì đã ở đó thấy tận mắt thứ ánh sáng kia ngay trên đầu, dành nhiều thời gian để nhìn thay vì lo chỉnh máy. Có nhiều người đến cả tuần mà chờ hoài, săn hoài chẳng gặp.
Tour bắt đầu lúc mười một giờ đêm, kéo dài khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Nhìn bằng mắt chỉ thấy cả bầu trời sáng trắng nhờ nhờ thật thấp tưởng như sờ được, có nhiều nơi mắt mình nhìn thấy màu nhưng họ nói rât rất hiếm. Và đi càng xa 'ánh đèn đô thị' càng thấy rõ những vân sáng.

    

Buối sáng kia trong lúc chờ đổi bus đã gặp một anh bạn người Mexico, vác balo to đùng bụi bặm. Anh chàng ở Iceland một tháng, mấy ngày ở Reykjavik tự đi sau đó hẹn bạn mướn xe đi các nơi khác. Thấy rảnh anh chìa máy xịn ra chỉ hình Northern Lights chụp buổi tối trước. Tôi hỏi đã đi tới đâu mà hình lung linh vậy, ảnh nói ngay bến cảng gần Harpa chứ đâu, đi ngược lên hướng Videy Island bớt ánh đèn nên rõ. Đã canh chờ từ nửa khuya đến 4 giờ sáng. Chẳng uổng công ha. Trước khi bước lên xe bus ảnh chìa cho một cái vé vào bảo tàng, kêu mày không có thời gian ghé museum nào thì cũng nên bỏ ra một hai tiếng ghé vào Kjarvalsstadir Art Museum. Ở đây chưng tranh của nhiều hoạ sĩ gốc Iceland nhưng chủ yếu là tranh của Johannes S. Kjarval. Tôi không rành về tranh ảnh nhưng phải công nhận Kjarval vẽ đẹp vì nhìn như thật, từng vân đá, thác nước, màu cỏ như đem cảnh thật ráp vào. Mượn lời anh Mexico, tôi chuyển lời khuyên tới bạn vì bảo tàng này vừa nhỏ ít tốn thời gian lại do hoạ sĩ địa phương vẽ. Tôi từng nói vài lần mình không phải là fan của các bảo tàng, vẫn mê ở ngoài trời hơn.


Ngày đi nhiều và xa nhất là đi rồi về từ bến phà qua Videy Island. Hôm đó Chủ Nhật, gió mạnh kinh khủng, tuyến xe bus đi hướng đó không chạy chứ tôi cũng chẳng siêng năng gì. Đi dọc bờ biển trong thời tiết lạnh căm, gió rát cả người là một trải nghiệm mà tôi nghĩ mình không có can đảm trải qua lần hai. Nhưng đã làm được một lần, thì lỡ có tái diễn khỏi phải bỡ ngỡ. Bến phà cũng khá xa trung tâm nhưng đã nhất định phải qua đảo đến cái Peace Tower kia nên cứ đi (và về). Khi đến rồi mới biết không chỉ mình tôi mà còn thêm mười ngừoi khác trên chiếc phà nhỏ tròng trành qua đảo. Bên kia bờ gió là vậy qua đảo gió càng mạnh hơn, nhưng cũng đã đi hết một vòng đảo. Trên đảo bây giờ không còn người ở, có một nhà thờ, một quán ăn/cà phê (chỉ mở vào mùa hè) cũng là căn nhà bằng gạch đầu tiên của Iceland. Có vài căn nhà cũ, đã hư hại nhiều, cái không còn cửa cái tróc nóc.  



“Imagine all the people living life in peace”. “A dream you dream alone is only a dream. A dream you dream together is reality” (John Lennon & Yoko Ono).


Tôi chỉ mới ghé qua một phần nhỏ xíu của Iceland nhưng khi về đã mang một giỏ đầy những điều mới mẻ, thân thiện dễ mến của con người nơi đây. Cái mắc mỏ, cái lạnh, những thứ tí ti không vừa lòng mấy tôi đổ thừa hết cho gió, cho vị trí xa lắc xa lơ của đất này. Rồi sẽ trở lại vào một mùa thu hay đông khác, sẽ mang theo máy ảnh nặng trịch trì đau cả cổ ,thêm tấm bằng lái xe để rong ruổi ghi lại thứ ánh sáng ỏng eo khó bắt kia và những gam màu khác mà chuyến này chưa tận mắt thấy.

Dụi mắt đi
Len đến tận cùng mùa cỏ rối
Gió bạt sẽ ngừng
Đau rồi sẽ khỏi
Người ơi

Chân chạm mé rào nghe thơm mùi gạo mới
Tiếng đũa khua chiều ta chẳng lỗi gì nhau