Sunday 18 September 2016

Oktoberfest năm nào


Mùa Oktoberfest lại về. Những hồi ức mùa lễ hội lại quay về với tôi, một điểm nhấn trong chuyến đi vào mấy năm trước.
Chuyện là vầy...
Từ trước đến giờ tôi chưa từng uống hết lon bia mà lần này cố tình đi Oktoberfest để thử bia mới ghê. Và đã uống hết 1 lít bia chỉ trong vòng vài giờ, bây giờ nhớ lại vẫn thấy phục mình quá cỡ.
Oktoberfest là lễ hội bia lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm ở Munich thuộc bang Bavaria,Đức. Lễ hội kéo dài khoảng hơn hai tuần từ tuần lễ thứ ba của tháng Chín đến Chủ Nhật đầu tiên của tháng 10. Oktoberfest có lich sử lâu đời bắt đầu từ năm 1810, ban đầu chỉ dành cho những người trong vùng nhưng ngày càng được nhiều người trên thế giới biết đến. Theo thống kê những năm gần đây số người đến tham dự có thể trên 6 triệu người trong vòng 2 tuần ngắn ngủi. Đa số là người Đức, chiếm khoảng 70%, phần còn lại đến từ các nước Châu Âu và các lục địa khác.

Số lượng bia tiêu thụ trong mùa lễ hội có thế lên đến 7 triệu lít, và chỉ bia được làm ở Munich mới được bán ở đây. Nồng độ cồn ít nhất phải là 6%alc.
(source- Wikipedia- các số liệu lấy từ đây)

Nếu bạn có mặt đâu đó ở Châu Âu trong khoảng thời gian cuối tháng Chín thì nên sắp xếp đi một lần Oktoberfest cho biết. Nhất định không hối hận đâu, nhưng nhớ phải dành ra một khoản tiền kha khá đấy nhé.
Về chỗ ở và vé tàu xe thì khỏi phải nói rồi, rất đắt đỏ vì đây là peak time của ngành du lịch ở Munich. Nếu muốn tiết kiệm một chút thì nên book các thứ trước càng sớm càng tốt. Còn nếu tình hình tài chánh của bạn không có vấn đề thì vô tư, cứ từ từ nhưng cũng đừng để cận ngày đi quá vì tất cả các chỗ trọ đều cháy phòng.

Nói thêm về chuyện ở, có thể tiết kiệm thêm một chút nếu bạn không ở ngay trung tâm Munich hay gần nơi lễ hội mà ở các vùng lân cận. Khoảng cách trong vòng 1-1:30 giờ di chuyển là chuyện nhỏ, có thể ở chơi đến tối. Dù tôi may mắn có người quen ở Munich nhưng để đi tới nơi tổ chức lễ hội cũng phải hơn 40 phút, đi buýt một chặng rồi đổi qua xe lửa.  Chỉ sợ một điều buổi tối uống say lơ mơ không nhớ đường về xém chút bị lạc như tôi hôm đó. Tối hù, ra khỏi ga phải hỏi hai ba bận mới ra đúng bến đợi xe bus. Gió lạnh run. Khách chờ xe cũng còn đông nên bớt sợ. Xe chạy đến mỗi trạm bác tài xế có thông báo tên trạm nhưng lại bằng tiếng Đức, bọn tôi thua.  May thay về gần đến nhà lúc này khách đã xuống gần hết nên mới thấy anh chủ nhà, mừng như sắp chết đuối lại vớt được phao.
Tiết kiệm thêm chút nữa là nên ăn uống no nê ở nhà trước khi đi trải hội, vào đó chỉ uống bia và ăn một vài món gì đó đơn giản thí dụ như bánh pretzel hay xúc xích trắng. Lễ hội mà, ở đâu cũng vậy,  chuyện ăn uống mắc hơn bình thường là lẽ dĩ nhiên. Sẽ nói chi tiết về đồ ăn ở đoạn sau.

Về đường đi nước bước thì khỏi phải lo, đi là sẽ đến. Đến mùa Oktoberfest ở các trạm xe, ngay cả ngoài đường chỗ nào cũng có bảng chỉ dẫn làm sao để đến địa điểm này. Hoặc bạn có thể hỏi bất kỳ ai trên đường. Tiếng Đức họ gọi Oktoberfest một cách ngắn gọn là “wiesn” . Vì là mùa lễ hội nên nhìn ai cũng tươi rói, rất vui vẻ để giúp nếu mình hỏi. Hoặc là như bọn tôi, chỉ đi theo dòng người, nhất là những người mặc trang phục cổ truyền của Đức thì khỏi lo, mọi người chỉ đi về 1 hướng, sẽ tới thôi.


Nhìn sơ qua không khí và cách bày biện giống như hội chợ bên mình. Có nhiều quầy bán đồ ăn, đồ lưu niệm. Có rất nhiều trò chơi dành cho trẻ con. Lúc nào cũng nghe thấy tiếng nhạc nhưng họ chơi nhạc êm dịu trong ngày, buổi tối sẽ nghe nhạc xập xình hơn. Cuối tháng Chín bên này trời bắt đầu tối sớm nên khoảng sau bốn giờ đã thấy đèn đóm lung linh khắp nơi.


Ở đây bia chỉ được bán trong các lều (tents). Lều lớn chắc đâu hơn 10 cái, còn lều nhỏ thì khá nhiều. Sự khác biệt giữa hai loại lều là trong mỗi lều lớn sẽ có ban nhạc sống, có nhà bếp khá rộng, có bàn ghế ngồi, có nhiều lều có đến hai tầng. Và tiện nghi nhất là có nhiều toilets. Còn lều nhỏ chỉ là một khung vuông nhỏ nhỏ có mái che, như cái quầy bar nhỏ.


Bọn tôi hai đứa bon chen vào được hai cái lều lớn. Một cái bán ly bia 500ml và một cái bán ly 1 lít. Mỗi lều chỉ bán duy nhất ly 1 size thôi nhé. Vào các lều lớn bạn sẽ thấy không khí lễ hội rỏ hơn. Ai đang buồn buồn sầu sầu nên vào đây, bạn sẽ bị cái nhộn nhịp, tiếng hát, tiếng nhạc và những bước nhún nhảy cuốn vào. Hết buồn ngay.
Ban nhạc hát những bài hát đồng quê, tôi không hiểu nhưng hỏi những người Đức chung quanh họ nói vậy. Có người biết lời thì hát theo, hoặc nhảy theo điệu nhạc. Mọi người quàng vai nhau nhảy nhót vòng vòng, không kể là có quen hay không, không kể già hay trẻ. Có người chỉ đứng im lặng một góc để thưởng thức bia và nhìn những gì đang xảy ra chung quanh. Đó cũng là một cách thưởng thức tôi nghĩ. Có người say bí tỉ, té lên té xuống và mấy anh bảo vệ phải đỡ lên lôi ra ngoài. Có mấy ông to con quá vài người phải rủ nhau khiêng ra. Nói chung là không khí này không thể diễn tả hết bằng lời, bạn phải tận mắt chứng kiến mới cảm nhận hết.


Bây giờ nói tới chuyện mua bia. Mặc dù nhìn đâu cũng thấy bia, người uống người cheers nhưng để mua được một ly bia trong các túp lều lớn cũng trần thân trừ phi bạn có book trước chỗ ngồi, họ sẽ phục vụ tận bàn. Nhưng dân du lịch như bạn và tôi thì chắc không bao giờ có vinh dự được kiểu cơm bưng bia rót này. Nghe nói giá đắt ghê lắm. Thường chỉ dành cho các công ty hay hội đoàn, hay những người có tên tuổi và họ phải đặt trước cả năm.



Vì thế có 2 cách để mua. Một là có thể chen chúc chờ ở quầy. Hai là có thể gạ gẫm các cô bưng bia, nên nhờ các bác trai lớn tuổi đứng xung quanh làm việc này. Nhưng nên hỏi trước giá tiền và nên chuẩn bị đúng số tiền đó vì các cô không bao giờ có tiền thối lại, tiền dư coi như tip. Vào thời điểm 2013, một ly bia 500ml giá 15eu, 1 lít giá 25-30eu.

Và để lót dạ trước hay trong lúc uống bia thì có bánh pretzel. Loại bánh rất phổ biến ở các nước Châu Âu, đặc biệt là Đức. Bánh được làm bằng bột mì, có hình xoắn giống như 2 bàn tay chụm lại. Nướng vàng ươm nhìn rất hấp dẫn, phía bên ngoài dính nhiều hạt muối hột to to. Ăn cũng vui miệng nhưng ăn rồi rất khát nước. Đây chắc là chủ ý của họ để bạn uống thêm nhiều beer chăng? Thêm một món khác bạn nên thử là xúc xích trắng, cái sausage màu trắng tròn, ngắn, có thể chọn ăn với nhiều loại sauce khác nhau. Đây cũng là món chỉ thấy ở Munich. Ngoài ra có rất nhiều món ăn khác để lựa chọn ở các quầy bán đồ ăn còn bên trong lều tôi chỉ thấy có mỗi bánh pretzel.

Nhìn những dĩa đồ ăn đầy ắp hấp dẫn ở nhà bếp. Nhìn mấy anh phục vụ bê các đĩa đồ ăn một cách điệu nghệ đã đủ thấy một phần màu sắc của lễ hội. Còn việc bưng bia là của các cô. Đứng nhìn mấy cô đi thoăn thoắt tôi phải công nhận họ thật khỏe. Trung bình mỗi lần ôm 5-6 ly bia, mỗi ly 1 lít chưa kể cái ly rất dày và nặng. Phải làm liên tục từ sáng tới tối. Không biết buổi sáng các cô có vui cười niềm nở với khách hay không chứ tôi đi buổi tối toàn thấy cô nào cô nấy rất căng, nét mệt mỏi hiện lên mặt. Bạn hỏi ít khi họ trả lời. Nghe đâu vì công việc vất vả nên trong vòng hai tuần có cô kiếm được tới 12000eu, bao gồm tiền công và tip. Một con số không nhỏ tí nào.




Nhéo một miếng bánh, nghe ngòn ngọt, mằn mặn nơi đầu lưỡi rồi uống một ngụm bia mát lạnh và nhìn thiên hạ xung quanh. Tôi vui lây cái vui của họ. Và mang về một chút vui cho riêng mình. Cái vị đó sẽ đọng lại mãi.





Tuesday 13 September 2016

đã quá một con đường...thôi rẽ trái

Có nhiều nơi đã đi qua mỗi lần nhớ lại tùy theo nơi nào, ở đâu, khoảng thời gian nào…sẽ gợi lại những điều khác nhau. Có thể là một màu đặc trưng nào đó, một con đường, một mùi hương, một món ăn, một câu nói hay một cái nhìn. Những điều này chưa hẳn là những điều mình thích hay hài lòng nhưng bằng cách nào đó đã ở lại trong ký ức lâu và rõ nhất. Và mỗi khi bắt gặp lại hay có cảm giác từa tựa thì hoặc là có chút nao nao, hoặc là mỉm cười vu vơ hoặc là đá đại thứ gì đó đang ở dưới chân nghe “xoảng” một tiếng và bước tiếp.


Busan- 2011



                                                                    Sầu riêng ở Brunei- 2012

Monday 5 September 2016

Bình yên

Có khỏang lặng giữa trời đất mênh mông
Ta nghỉ ngơi từ bao ngày vội vã
Dòng nghĩ suy được đôi lần thư thả
Ta vọng bình yên những phút giây.Mơ.


Thursday 1 September 2016

Copenhagen- Vài chuyện nhặt





Một vài chuyện nhặt tôi rút ra sau chuyến đi. Có liên quan đến lộ trình của bạn không? Chưa chắc nhưng hy vọng giúp được tí xíu trước khi bạn đặt chân lên thành phố hiền hòa lắm sắc màu Copenhagen.

Thứ nhất, chuyện tiền bạc. Đan Mạch cũng thuộc khối Châu Âu nhưng đơn vị tiền tệ họ sử dụng là Danish Krone (DKK) chứ không phải euro. Lệ phí đổi tiền ở Copenhagen khá cao, đa số mấy chỗ đổi tiền tôi đi ngang thấy là 13%, không chính xác là 12.99%, bất kể số tiền bạn muốn đổi là bao nhiêu. Trong lúc lang thang tôi phát hiện ra một chỗ đổi tiền không lấy phí mà giá cả cũng tương đương với mấy chỗ khác là từ cổng sau nhà ga trung tâm đi thẳng qua bên kia đường, ngay đó có một con đường nhỏ (tiếc là không nhớ tên) đi vào 50m có cái Western Union với bảng chữ lớn “Money exchange- NO COMMISSION”. Hoặc nếu đến bằng xe lửa từ Hamburg thì có một đoạn phải qua phà, và trên phà vừa có cửa hàng miễn thuế vừa có chỗ đổi tiền, phí chỉ có 4%. Còn không thì nên xài thẻ, dĩ nhiên vẫn mất phí đổi ngoại tệ nhưng tùy theo thẻ của ngân hang nào. Còn chuyện cất giữ tiền hay sợ bị cướp giật tôi thấy không đáng lo lắm nhưng cẩn thận vẫn hơn nhất là khi share phòng với người lạ.

Thứ hai, chuyện chụp hình. Cũng như đi đến bất cứ nơi nào khác trên thế giới, bạn nên tôn trọng luật lệ của nơi đó. Và trước khi chụp hình một ai đó hay thứ gì đó của họ thì theo lẽ thường mình nên xin phép trước. Ở Copenhagen có một nơi gọi là Freetown of Christiania, nằm trong khu Christianshavn, phố của những con kênh (canals). Freetown này là nơi tự trị, họ có luật pháp riêng (hay không theo luật gì cả) và chính phủ ở đây cho họ cái quyền đó. Nghe đâu chính phủ để đó như là một thí nghiệm du lịch trong vòng vài năm xem sao. Phần lớn dân ở đây nhập cư, tôi có hỏi các anh bán hàng thì họ nói có nhiều người đến từ Nepal và các nước phía nam Âu như người Thổ, Hung..

Cũng là một địa điểm nên đến trên tấm bản đồ dành cho khách du lịch nhưng có hơi đặc biệt. Tôi cũng giật mình khi đến đây. Chỉ qua một con kênh  thôi mà khác hoàn toàn, như thấy một thế giới khác.
Trong khu Freetown này bạn muốn mua quần áo cũng có (nhiều đồ thổ cẩm), đồ lưu niệm cũng có, đồ ăn cũng có, thức uống có cồn cũng tự do, và cả ma túy các loại cũng được bán tự do. Có điều là cấm tuyệt đối không được chụp hình. Đây chắc là luật lệ duy nhất từ chính phủ? Họ không muốn hình ảnh của khu này làm ảnh hưởng đến hình tượng có thành phố/của Đan Mạch? Các bản cấm để khắp nơi, vừa vào cổng 1 chút là có 2 anh ngồi trên ghế giữa đường nhắc nhở. Tôi vừa cầm máy lên định …tắt ( vì nãy giờ chụp từ cổng chụp vào, vừa nhìn thấy bảng cấm thôi) đã nghe tiếng hét sau lưng “NO PHOTO”!!!  Nơi này xin phép cũng không được nhé.

Thứ ba, chuyện đi lại trong thành phố. Trong mấy ngày ở đây tôi toàn đi bộ nên chỉ biết sơ sơ về hệ thống di chuyển công cộng nơi này. Có bus và metro trong trung tâm, và ra ngoài trung tâm thì có S-lines, và hình như là có chia zone. Metro ở đây tự động, không có người lái nên cửa sẽ mở đóng như thời gian đã Set sẵn, không phải chờ mọi người lên xe hết cửa mới đóng. Có chuyến mỗi 2-4 phút tùy theo giờ trong ngày. Nếu bạn có trễ hay xe chật quá thì nên chờ chuyến kế tiếp, chớ nên chen vào vì nếu hai cánh cửa kia tự động khép lại thì không biết phần nào trên cơ thể sẽ rụng xuống trước. Nói đùa chứ cửa có sensor, chắc không đến nỗi nào. Hoặc bạn có thể mướn xe đạp để đi lại, chỉ nên cẩn thận vì người dân ở đây họ đạp rất nhanh và không theo luật như các loại xe khác.

 Và thứ tư, walking tour.  Cũng như các thành phố lớn khác ở Châu Âu, ngay trung tâm Copenhagen mỗi ngày bạn có thể tham gia Free Walking tour. Tin tức về các tour này có thể tìm thấy ở các quầy thông tin ở sân bay, ga xe lửa hay trong hotel/hostel. Các tour này đều bằng tiếng Anh, do người bản xứ hay những bạn cũng đi du lịch làm thêm. Mấy bạn tourguide không nhận lương mà chỉ nhờ vào tiền tip. Thường họ sẽ đến các hostel trong trung tâm để đón khách, hướng dẫn bạn tới nơi tập trung chính và sau đó sẽ chia ra từng nhóm nhỏ rồi mới bắt đầu đi. Nếu bạn đi du lịch một mình thì đây là cơ hội để kết bạn, trao đổi kinh nghiệm..Tour kéo dài khoảng 3 tiếng và khi kết thúc tour thì bạn muốn tip cho người hướng dẫn bao nhiêu tùy bạn, hoặc không tip cũng không sao.

Trong chuyến đi Châu âu tôi đã theo 5 walking tours khác nhau và thấy họ tổ chức cũng chuyên nghiệp, nhiều thông tin hữu ích, các bạn hướng dẫn thường trẻ, vui, và nhiệt tình. Vì đi một mình nên chương trình của tôi là buổi sáng đầu tiên tới một thành phố mới tôi sẽ đi theo tour, sau đó trong ngày và các ngày còn lại sẽ tự trở lại các nơi mình thích tham quan lâu hơn, và đến những chỗ tour không đi qua. Nếu bạn có lên kế hoạch sẵn ở nhà thì cứ theo kế hoạch, còn không thì nên tham gia một trong những tour này một lần cho biết, cũng là một cách trải nghiệm thú vị.