Saturday 18 February 2017

Nara và cơm nhà

Trên chuyến xe từ Yamagata đi Nara hôm đó phải nói là tôi nhớ nhà và thèm cơm Việt kinh khủng. Tính đến thời điểm đó tôi đã ra khỏi nhà đúng bảy tuần. Bốn tuần ở Việt Nam, có nhớ nhà chút chút nhưng cũng là nhà cũng là đồ ăn mình quen thuộc nên cái cảm giác nhớ không da diết như khi đang ở một nơi xa lạ, tiếng nói không quen, và những cuộc nói chuyện tạm bợ.


Buổi sáng hôm đó trời mưa lớn. Có lẽ mưa đâu từ hồi đêm nên mọi thứ ướt sũng. Ngoài đường người ta bước những bước dài, dưới những chiếc dù đen trắng, bước nhanh để mau đến một mái che chắc chắn hơn. Tôi ở cách trạm xe lửa Yamagata khoảng mười phút đi bộ nhưng đành phải kêu taxi vì mớ hành lý lỉnh kỉnh, không còn tay che dù. Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất đi taxi ở Nhật, năm phút xênh xang. Phương tiện công cộng đầy ra đó từ xe lửa, bus, tram…rồi đi bộ nữa nên taxi vẫn là lựa chọn cuối cùng. Khi đến Nara ông bà chủ nhà lái xe ra rước nên coi như đã trải qua hầu hết các phương tiện di chuyển ở Nhật.
Trở lại chuyến xe dài, Bảy tháng Tư.
Mưa suốt từ Bắc chí Nam như dự báo thời tiết. Phải ra đường và đi thôi vì là ngày cuối của JR Pass. Tôi ngồi trên xe nhìn cảnh lờ mờ vụt qua, mưa lúc nặng hạt lúc nhẹ liên tục tạt vào cửa sổ. Khi trời trong trong thấy từng rặng cây trơ lá ở xa xa, mấy mái nhà như rũ xuống trong mưa. Nhìn cảnh đó chắc bạn cũng nhớ nhà như tôi? Thèm một bữa cơm nóng với canh chua, với thứ gì đó kho mặn mặn, thêm một chén nước mắm ớt kế bên. Nghĩ chắc giờ này ở nhà trời bắt đầu lạnh, lá bắt đầu chuyển màu, chắc mẹ tôi đang lụm cụm lo che chắn mấy chậu rau cải ở sau nhà. Rảnh quá nên sáng đó là lần hiếm hoi tôi nhớ đến chỗ làm, chắc mọi người đang bận rộn chạy tới chạy lui chuẩn bị thuốc cho vòng discharge đầu tiên như mọi hôm. Chắc lại có một bệnh nhân nào đó nằm thiêm thiếp rên tôi muốn về nhà chỉ vì cái toilet ở nhà vẫn ấm hơn và tiếng dội nước nghe vui tai hơn.

Đổi mấy chuyến xe cuối cùng cũng đến ga Gakuemmae, cách Nara station chừng mười lăm phút. Ông bà chủ nhà đậu xe chờ sẵn ngay cổng ra. Họ chắc đã ngoài sáu mươi, đã nghỉ hưu và bà có vẻ rành tiếng Anh hơn ông. Họ có hai người con, một trai một gái giờ đã có gia đình ở riêng nên nhà rộng thênh. Con đường về nhà lúc hẹp lúc rộng, lên dốc nhiều, qua một cái hồ nước khá lớn. Các con đường gần nhà họ khang trang, nhà nào ra nhà nấy, kín cổng cao tường. Phần lớn nhà hai tầng. Đi mấy tuần cuối cùng có cơ hội nhìn qua khu dân cư khá rộng, như nhà vườn. Xem ra đây là khu khá giả. Ở Manazuru cũng là khu dân cư nhưng chật hẹp, bên trong trang trí đúng kiểu Nhật như tôi từng tưởng tượng. Còn nơi này đúng là giống ở nhà hơn, rộng thênh, vườn trước vườn sau với nhiều loại rau, loại hoa được chăm bón kỹ, xanh um.
Hai ông bà chủ kỹ đến nỗi khi vào nhà ông nhấc từng chiếc va ly của chúng tôi lên, lấy khăn lau hết mấy cái bánh xe. Kỹ, nhà gọn gàng sạch sẽ nhưng điểm trừ là trong nhà và phòng ngủ có mùi hôi đặc biệt. Một mùi chưa từng gặp qua, không thể diễn tả bằng lời. Vào phòng tôi phải mở toang hết cửa sổ dù bên ngoài đang lạnh. Nara đáng nhớ là vì mỗi sáng trước khi ra đường tôi phải xịt nước hoa. Điều rất hiếm xảy ra khi đi xa. Có thể là bao mền gối không được giặt thường xuyên mặc dù có nhiều khách ở? Họ có nuôi chú chó nhỏ nên tôi suy ra một phần mùi chắc từ sinh vật nhỏ dễ thương này. Buổi tối ngồi uống trà hỏi ra mới biết mỗi tháng họ dẫn chó đi salon tắm và cắt lông một lần, vậy thôi. Tắm một lần trong 30 ngày? Ông chủ nói loại chó này không ra mùi hôi. À, ra vậy.

Buổi tối đầu tiên họ nấu ăn cho cả nhà. Cả nhà hôm đó gồm có hai chúng tôi, một bạn Pháp và một bạn Tàu từ Thượng Hải. Một bữa ăn ấm cúng với okonomiyaki do ông làm, chiên tại bàn, sushi và phần bà là hái nấm từ đâu đó sau nhà và bánh tráng miệng. Tai nấm to hơn bàn tay họ gọi là shiitake (mình gọi nấm đông cô). Lâu lắm tôi mới được ăn nấm tươi mà ngon như thế. Tráng miệng là bánh táo (apple pie) và trà.

Bữa tối như những buổi tối ở nhà. Mọi người ngồi cùng bàn, nói về những việc mình làm trong ngày, mưa nắng, buồn vui, chuyện trên trời dưới đất. Chuyện chưa từng biết người Nhật thích chơi baseball. Chuyện người nhập cư ở Châu Âu, chuyện khủng bố ở Pháp và di chấn để lại trong lòng người trẻ. Chuyện bạn Pháp được một trung tâm ý tế ở Nam Phi mời qua làm từ thiện, muốn đi nhưng còn do dự. Chuyện bạn làm bác sĩ cũng được vài năm, kể vài ca khó đỡ. Giờ đang học chuyên khoa.
Chuyện bạn Tàu giỏi tiếng Anh là vì du học ở Chicago ba năm sau đó về nước làm việc vì là con một. Chuyện bạn thích Tokyo nhưng để sống sẽ chọn Nara. Chuyện bạn lặn lội trong mưa cả ngày nay, đổi bốn lượt xe để đến núi Yoshino, may là hoa anh đào chưa bị mưa phủi đi hết. Chuyện chúng tôi ngược xuôi Bắc Nam, lên núi rồi lại xuống biển. Chuyện nghỉ làm lâu quá, ở Nhật đến 5 tuần họ hỏi không chán không mệt không nhớ nhà à? Trả lời có hết nhưng không hối hận chút nào vì biết đâu đi được một lần rồi không có duyên trở lại? Nếu được trở lại thì hay quá vì bây giờ đã có người quen.

Mệt, ăn no, cười nhiều nên ngủ thẳng một giấc tới sang.
Dậy trễ, khi ra đến Nara station cũng đã trưa nên đi lòng vòng con đường kế bên kiếm đồ ăn no rồi mới đi xem cảnh. Đi một lúc mừng quá vì thấy quán ăn có chữ Việt. Gặp lúc đang đói nên nhào vào liền. Tôi không theo đạo nhưng nhớ một câu trong đạo Chúa có ý như ước đi sẽ được, hãy gõ cửa sẽ mở ra. Tình cảnh lúc đó đáng để cảm tạ.
Quán ăn bên trong trang trí đậm chất Việt với cờ đỏ sao vàng, tranh áo dài, bình trà bằng trái dừa… Nhân viên không thấy ai giống người Việt cả. Họ nói tiếng Anh và Nhật, khác đông nhưng hầu hết cũng là người Nhật. Tôi hỏi cô bé bưng cơm ra mới biết đầu bếp người Việt nhưng chủ lại là người Nhật. Nghe xong chẳng biết nên vui hay buồn. Tất cả các phần ăn đều có kèm theo chén cơm trắng với thịt kho. Thịt được cắt miếng nhỏ vuông, kho khô. Tên quán “Cơm Ngon”. Bún bò cũng thường thường không được đủ rau nhiều thịt như ở nhà nhưng hôm đó ngon đặc biệt. Một trong những bữa ăn đáng nhớ ở Nhật và chắc sẽ nhớ lâu.

Thời gian còn lại trong ngày đã lòng vòng ở Nara Park. Ngắm hoa và chọc cho nai rượt. Sẽ chi tiết sau.
Để kết thúc chuyện ‘cơm nhà’ là món canh chua dã chiến tụi tôi đã nấu vào buổi tối cuối cùng ở Nara. Cơ hội cuối cùng có nhà bếp trong thời gian gần 2 tuần còn lại nên phải nấu thôi. Canh chua  nấu bằng chanh, cá salmon, đậu bắp, giá và cần tây. Không có quế hay ngò. Chỉ nêm bằng muối và đường. Chấm muối tiêu. Canh ngon nhất nhì từ đó giờ tôi được ăn, nấu ở nhà người lạ, không có miếng nước mắm nào. Nhìn vào tô canh bạn biết thứ gì đắt nhất hôn? Đậu bắp 200Y bốn trái, cần tây 100Y một bẹ. Protein rẻ nhất, 300Y miếng cá to bằng bàn tay.

Tôi nói bữa ăn này chủ yếu để tụi mình refresh vị giác, để tiếp tục với đồ ăn Nhật vào những ngày tiếp theo. Cho dù yêu thích món ăn ở nơi nào đó đến cách nào đi nữa thì có lúc cũng cần xả hơi, khi ăn lại đồ ăn Việt vẫn thấy ngon hơn, hạnh phúc hơn. Với tôi là vậy.



Tuesday 7 February 2017

TASMANIA - MÙA THU LÀNH LẠNH

Đâu cũng là mùa thu nhưng khi đặt chân đến Hobart mới cảm thấy yêu nơi này quá đỗi. Yên và lành. Hơi lành lạnh thấm vào da và ở lại lâu hơn mình vẫn tưởng. Hôm đó trời lại mưa lất phất. Những con đường dốc vắng người. Trời còn lờ mờ, những cánh cửa còn đóng im ỉm. Hai hàng cây bên đường như còn ngáy ngủ mặc dù lá vàng cứ đổ khắp nơi. Đó là một buổi sáng thứ Bảy, ngày đầu tiên Tassie đón tôi bằng những thứ lãng đãng như thế.

Với những ai đã đến nước Úc đất rộng thênh thang này thì trong hành trình thường bao gồm Sydney, rồi Melbourne, rồi Queensland hay xa lắm là Perth. Tasmania bị coi như con ghẻ, bị bỏ ra rìa, một phần cũng vì nằm chơ vơ một mình xa đất mẹ. Là một tiểu bang cũng là một hòn đảo lớn nhất của Úc, mà như em út trong nhà nếu nói về diện tích. Nếu so với người ngoài, chỉ lớn hơn bằng rưỡi Đài Loan nhưng dân số Tasmania có nửa triệu, còn Đài Loan nghe đâu tương đương với cả nước Úc, khoảng 24 triệu dân.

Người Châu Âu từng biết tới Tasmania với cái tên Van Diemen’s Land. Người đặt ra cái tên này là Abel Tasman, gốc Hà Lan, ông là người Âu Châu đầu tiên đặt chân lên hòn đảo năm 1642. Và ông gọi đây là Van Diemen’s Land như để cảm ơn người đã bảo trợ để ông thực hiện hành trình và đặt chân đến mảnh đất này, Anthony van Diemen. Cho đến cuối thế kỷ 19 người Hà Lan vẫn gọi Úc với cái tên mà ít ai bây giờ nghe đến là New Holland, gọi thế nhưng họ không chiếm giữ lục địa rộng lớn này.

Trở lại buổi sáng đầu tiên ở Hobart.
Tôi đi bộ dọc theo các con phố để đến chợ Salamanca. Một mình. Phố vắng. Lâu lâu lại gặp một tốp người cũng co ro bước những bước dài. Chắc đêm qua mưa lớn, đường phố còn ướt đẫm. Băng qua một cái công viên nhỏ gần bên chợ, đám cỏ còn bịn rịn nước mưa. Nếu thời gian bạn ghé Hobart có rơi vào thứ Bảy thì nên đi chợ một lần cho biết. Chợ Salamanca nằm ở vị trí có một không hai, một bên thấy núi, một bên thấy bến cảng. Hơi nhơ nhớ Hamburg khi đứng đây, nhất là khi nhìn ra cảng. Tôi vẫn hay đùa mình không nói nhiều nhưng thích đi chợ, bất cứ đến nơi nào nếu có chợ thì thế nào cũng ghé qua. Đó là cách tôi nghe ngóng cảm tình của người địa phương đối với khách lạ.

Khi tôi đến chợ cũng đông lắm rồi, hỏi quanh thì người dân địa phương đi cũng nhiều họ nói vì đồ ăn tươi và không khí thoáng mà vui,  khách du lịch cũng đông. Có nhiều gian hàng nhỏ, họ bán đủ thứ từ rau củ tự trồng, cà phê, đồ ăn, đồ lưu niệm làm từ các chất liệu ở Tasmania chủ yếu là từ gỗ Huon..

Cái cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ ở nơi buôn bán đông người cứ quấn lấy tôi khi đi dạo quanh khu chợ nhỏ khá nổi tiếng này. Một bác trai lớn tuổi hề hà đứng giữa hai bồ lớn táo và lê, tiếng bác rao í ới. Vừa rao vừa cân vừa trò chuyện, chỉ nhìn bác thôi đã rất ‘lành’. Bên kia một bác gái bán củ cải, táo, thêm mấy trái hồng cứ luôn miệng nói mấy thứ này tôi mới hái ngoài vườn sáng nay, còn ướt sương đó thấy không? Cứ thế vừa cầm ly cà phê nóng trong tay vừa dạo qua các gian hàng, mua vài thứ linh tinh. Lâu lâu đứng yên một lúc nhìn người qua lại, lâu lâu lại giương cây dù vì trời lắc rắc hột, có ai đứng kế bên mình cho che ké và bắt đầu những cuộc trò chuyện ngăn ngắn.


Rời chợ, tôi thả bộ lòng vòng trong trung tâm đi qua các con phố chính của Hobart. Phải nói phố này thưa người quá. Mặc dù là thứ Bảy nhưng buổi trưa đi trên đường cứ có cảm giác đi giữa một thị trấn nhỏ nào đó, người qua lại rất ít. Các quán ăn, quán cà phê cũng vắng. Không phải mùa nghỉ hè, cũng không phải ngày lễ, lạ thật. Ở Melbourne, tôi quen với cái ồn ào nhộp nhịp vào những ngày cuối tuần nên cảm thấy lạ.
Đi bộ một hồi ra tới cảng. Ở đây cũng vắng. Mấy chiếc tàu nằm chơ vơ. Ghé vào một quán nhỏ bên bờ nước gọi một phần fish&chips , vừa ngồi nghỉ sẵn ăn trưa luôn thể. Ai nói ghé Hobart phải ăn món này chứ, tôi thường không thích nhưng đã đến rồi thì thử xem sao. Không tệ, cá tươi thơm, chips giòn tan. Vừa ăn vừa ngắm thành phố từ hướng cảng. Dễ thương  và yên ắng, nghĩ người ở đây hiền cũng phải. Thời tiết dễ chịu, cảnh đẹp, nước uống mát và thanh hơn các thành phố khác. Thích hợp để nghỉ dưỡng quá rồi còn gì.
Nắng vừa lên, trời trong hơn buổi sáng.
Ăn no lại đâm ra buồn ngủ. Nếu những chuyến đi trước cứ lo chạy đua với thời gian để nhìn ngắm chỗ này chỗ nọ, chuyện buồn ngủ trong ngày là zero thì chuyến này lại xảy ra thường xuyên. Cứ như ở nhà, hay mỗi bữa đi làm cứ y như rằng ăn trưa xong là lại lơ mơ. Cứ nghĩ có cái giường bên cạnh, ngã lưng một chốc là thiên đường rồi còn gì.
Thôi bắt xe bus đi ra hướng Sandy Bay ngắm cảnh chiều. Lạ là vừa bước lên xe đã hết buồn ngủ.
Vịnh Sandy, nghe hay chứ nhỉ.
Từ trung tâm đi tới Sandy Bay gần nửa tiếng. Càng gần đến nơi phong cảnh hai bên đường càng đẹp, thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn. Nhà cao cửa rộng, hàng rào cao ngất. Nơi của những quý tộc vùng này chắc là đây.
Tính ra vịnh ngắm mặt trời lặn nhưng khi đến nơi mây lại vần vũ như sắp có mưa. Cảnh yên ả, chưa chiều mà chẳng thấy bóng người.  Chỉ có nước, lăn tăn. Không hiểu sao lại nhớ “The Lake House” có cái thùng thơ gần mép nước. Nhìn quanh quất không thấy ai chỉ có du thuyền dưới nước, xe đậu kín các ô trên bờ và nơi mép nước có mấy chú hải âu co ro. Ý là nơi này nằm không xa khu Wrest point hotel Casino là mấy. Trời lạnh, bà con ta chắc đậu xe xong chạy riết vào ngập lặn trong đỏ đen rồi. Ở đây chỉ còn mình với ba chú hải âu và sáu chú vịt. Bù trất.



Tôi không có máu đỏ đen mặc dù bài nào cũng biết chơi mới lạ. Chỉ thỉnh thoảng đàn đúm với đám bạn thì coi dùm bài của ai đó khi họ nói điện thoại hay đi toilet. Hoặc Tết cũng có chơi vài ván cho vui. Nhưng mà không được hên cho lắm, luôn luôn bạc đen mà tình chỉ hườm hườm chứ không đỏ.
Hôm đó chắc do thời tiết buồn buồn, thêm mấy chú vịt xui khiến nên máu đỏ đen trong tôi dâng lên cuồn cuộn. Thế là nhào vào bàn blackjack ngồi chơi liền tù tì 10 ván. Lần đầu tiên chơi ở một casino, mà Wrest point là casino lâu đời nhất nước Úc mới ghê chứ.
Đố bạn biết tôi ăn hay thua? Chơi chung bàn có một ông Tây đứng tuổi và một anh trẻ người Á Châu. Họ đặt bao nhiêu tôi không biết nhưng chồng chip trước mặt cao ngất ngưởng. Tôi còn không biết đặt tiền ở đâu, chip bao nhiêu nên hỏi họ và họ vui vẻ chỉ dẫn. Coi bộ nãy giờ họ ăn, trên gương mặt không lộ vẻ gì của người thua cuộc. Cứ nhớ chuyện nhỏ bạn kể lần nọ nó cũng vào casino chơi lần đầu tiên, không biết rút bài kiểu gì mà cả bàn ai cũng thua. Có mấy người mở miệng chửi thẳng, nó liền rút lui chạy một nước may mà về tới nhà an toàn. Tôi hơi sợ. Nhưng một khi máu đã nổi lên thì biết làm sao.
Quả là may. Sau 10 bàn căng mắt, tay run tôi bước ra ngoài khoan khoái hít thở không khí trong lành. Kiếm được $50. Hú hồn. Tính sơ sơ chương trình ngày mai khi ngồi trên xe bus quay về. $12 bus đi Richmond village. $25 đi núi Wellington. Phần còn lại ăn trưa ăn chiều. Vậy hén. Mỗi casino khi xây lên nghe nói họ gọi vài trăm thầy phong thủy đến coi hướng, coi thiết kế vậy mà một tay amateur như mình vào thắng được $50 không phải chuyện chơi nhé.