Sunday 25 June 2017

Flamenco trong chiều Sassafras



Một cái tên nghe rất Tây Ban Nha hay ít ra cũng có bà con với nơi nào đó ở Nam Mỹ. Sassafras. Vừa nghe người quen hỏi ủa bữa trước mới nói chuyện Cuba nay đã đến nơi rồi à. Ừa. Mà đến vì GPS dẫn đi lạc, đi đường bộ thay vì lơ lửng trong mây.  Đùa chứ đang ở cách nhà chừng bốn mấy cây số theo đường bướm bay. Hễ mỗi lần lên núi bạn GPS lại say, thay vì bị ù tai thì bạn lại chỉ đường sai tùm lum tá lả. Chạy vào mấy con đường núi hẹp cứ tưởng hai chiều xe qua không lọt. Một bên vực, một bên vách núi. Mấy nhánh dương sỉ xòe cả ra đường như vuốt ve mé bên trái, người cầm lái bên phải  cứ thót mình, sợ nghe tiếng lẹt rẹt khi có xe ngược chiều chạy tới. Đáng lẽ chỉ đến Olinda uống cà phê, ăn cái bánh pie rồi về ai ngờ lạc vào một nơi rộn ràng…đa sắc.
Sassafras là tên một loài cây ấy ạ. Cây có xuất xứ cũng không liên quan đến Tây Ban Nha mà từ Bắc Mỹ và Châu Á. Vì là loài cây có hương thơm nên lá và rễ có nhiều công dụng như làm trà, ướp bia, lấy tinh dầu làm đèn cầy thơm, làm kẹo… Còn thân cây được dùng để đóng tàu, làm cột nhà, bàn ghế..*
Còn phố núi Sassafras tôi qua cũng đầy ắp màu và vị như giống cây cùng tên, từng được tìm thấy rất nhiều ở vùng này. Cái tên vùng được đặt ra từ đó. Chỉ một đoạn đường ngắn mà có đến ba quán trà và một shop bán mấy trăm loại trà cùng những món đồ có liên quan đến chuyện uống trà. Cũng vì thế nên phố này còn được biết đến với nickname là “ Phố trà” (Tea town)*
Những thị trấn hay phố nhỏ luôn hấp dẫn tôi. Có lẽ do mỗi ngày đối mặt với mớ building hiện đại bóng loáng, sự ồn ào của nhịp sống vội vã nên mỗi lần lái xe ngang qua những dãy phố nhỏ ở các vùng xa xa tôi đều ghé lại.
Khi chạy ngang thấy căn nhà với mấy chậu hoa trên cửa sổ, mấy đường sơn màu gỗ sậm bên ngoài, cái bảng hiệu cầu kỳ tôi đã giật mình đánh thót. Mấy năm rồi mới được thấy lại kiểu trang trí này. Như thấy lại Mainz với nhiều con hẻm nhỏ bày bán cà phê, đi mà cứ ngước lên nhìn mấy chậu hoa đủ màu treo bên ngoài cửa sổ. Như Den Gamle By ở Aarhus một chiều tắt nắng với những lằn sơn chéo sơn ngang trên từng căn nhà cổ. Ở Úc bao lâu rồi bây giờ mới bắt gặp. Mặc dù kiểu nhà của Anh có khác mấy nơi kia nhưng nhìn thoáng qua cứ tưởng..

Dông dài nãy giờ, cái nơi gợi nhớ bao nhiêu nơi khác kia là Miss Marple’s Tearoom. Điểm nổi bật của Sassafras về cả bên ngoài lẫn thực đơn, và đây cũng là lý do để người ta ghé ngang. Còn mình tình cờ mới biết.  Chưa từng đọc cuốn sách nào của Agatha Christie nhưng Miss Marple thì có biết qua từ mấy series trên đài ABC. Ấn tượng với vẻ mặt hóm hỉnh, mái tóc xoăn và nhất là cái nón vành mỏng đội hờ. Một thám tử…rất duyên. Còn giọng Anh thì khỏi phải bàn, líu lo và khó hiểu. Vẫn hay đùa cái giọng nghe hơi xà nẹo nên họ có đủ các loại tiệc trà để giãn ra.
Hồi đó giờ biết nhiều về high tea, đến Sassfras lại biết thêm Devonshire tea. Nghe tên lảnh lót vậy chứ thật ra đơn giản hơn high tea nhiều, chỉ có trà với scones (như bánh mì rất đặc làm bằng nhiều sữa và bơ) trét bơ hay whipcream với mứt. Nghe ra mới vỡ lẽ, chê tới chê lui thì ra trưa nào ở chỗ làm cũng được hưởng Devonshire tea mà không biết. Bởi, được nhiều quá người ta lại chán chê là vậy.
Một chuyện giật mình khác là khi đang lơn tơn nhìn vào mấy hủ kẹo đủ màu trước Sassafras Sweet thì nghe tiếng guitar. Quen quá, nghe như “Moonlight Cafe”. Cứ theo tiếng nhạc mà đi tới. Đằng sau cái cổng không có vẻ gì là khoe khoang lại là những thứ mà chủ nhân nơi đây rất tự hào. Smits&Bits.  Một khoảng sân với lỉnh kỉnh các thứ dưới đất, bên gốc cây, treo lơ lửng, treo trên vách, sau mé rào.. Những thứ này bao gồm tượng Phật, chậu hoa, thùng rượu, cái thùng thiết nơi khói bốc lên thơm mùi marshmallow nướng.

Còn nữa, vô số những tấm bảng treo trên miếng vách cuối vườn với nhiều thông điệp bằng chữ và hình, từ coi chừng chó dữ đến luật lệ trong phòng tắm đến “Wine is not the answer. It just helps you to forget the question”. Nhiều câu đọc xong cười thành tiếng. À mà cái cây ở giữa sân nhìn duyên nhất nơi này. Nhìn thấy giống cây họ anh đào, lá rụng gần hết, phần lá vàng còn lại làm cho cả khu lộn xộn này trẻ lại. Chưa hết, giấu bên phía trái sân là mấy shop đồ cũ đồ cổ từ đĩa than, sách cũ, đèn các loại và nhiều thứ khó kiếm ở nơi nào khác. Bao hết cả không gian chẳng giống ai này là tiếng flamenco rộn ràng của Armik dễ làm bước chân khách muốn nhịp theo. Nếu không nhìn thấy hai mẹ con kangaroo cứ tưởng đang lạc ở Nam Mỹ thật.

P.S. Một vài hình ảnh khác ở Sassafras khiến người ta muốn quay lại. Chắc hẹn một ngày nắng khác.





* nguồn internet và dân địa phương